Dự án thủy điện Pắc-Beng của Lào nằm trên dòng chính sông Mê Kông đang gây ra nhiều quan ngại cho các khu vực vùng hạ lưu, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Dự án này được cho là còn sơ sài, sẽ gây hại nhiều mặt.
Bắt được cá da trơn khổng lồ trên sông Mê Kông Ảnh: National Geographic
Thủy sản gánh chịu
Khu vực Dự án thủy điện Pắc-Beng là thủy sản vùng 1, có tầm quan trọng về kinh tế – xã hội và sinh thái học rất cao. Ở đó có hơn 200 loài cá với trên 30 loài giá trị kinh tế quan trọng. Số lượng loài đặc hữu cao. Sản lượng đánh bắt hàng năm ở vùng 1 khoảng 40.000 – 60.000 tấn. Chủ đầu tư là Công ty Sản xuất năng lượng quốc tế Datang của Trung Quốc. Tài liệu của chủ đầu tư thừa nhận, đập sẽ gây tác động lớn đến cá di cư.
Tuy nhiên, Dự án thiếu số liệu nền nên không đánh giá được định lượng tác động, đặc biệt tác động đến cá di cư. Không đề cập việc hình thành hồ phía trên đập (97 km), mất các vùng cư trú trên thượng lưu đập và ấu trùng, cá bột, cá con không trôi dạt được xuống hạ lưu do tốc độ dòng chảy bị chậm lại. Giải pháp thả cá hồ chứa để bồi hoàn nguồn lợi thủy sản không thể bù đắp được sự suy giảm các loài cá di cư có giá trị cao. Không đề cập ảnh hưởng các bãi đẻ và bổ sung chủng quần của các loài cá di cư; tác động của dao động mực nước và thiếu hụt phù sa, dinh dưỡng đến năng suất sinh học hệ sinh thái hạ du.
Dự án ở vùng sinh thái 1 nên có rất nhiều loài cá di cư qua với số lượng lớn và diễn ra quanh năm. Gồm cá sống ở tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy, cá di cư ngược lên thượng lưu và di cư xuôi xuống hạ lưu. Có cả cá tra dầu.
Chủ đầu tư đề xuất công trình cho cá di cư từ hạ lưu lên thượng lưu theo đường dẫn cá và âu thuyền. Còn di cư từ thượng lưu xuống hạ lưu, bên cạnh đường dẫn cá và âu thuyền, có tuốc bin, cửa xả tràn. Thiết kế đường dẫn cá đề xuất nằm ở bờ trái, mặt cắt hình thang (đáy rộng 10 m, mặt rộng 17,2 m); lưu lượng 14,4 m3/s; độ dốc trung bình 1,85%; dài 1,6 km; 1 cửa vào, 2 cửa ra; duy trì độ sâu ngập của cửa ra tối thiểu 2 m).
Có hoãn xây dựng?
Qua phân tích của các chuyên gia, việc bố trí phương án của chủ đầu tư là chưa hợp lý. Do đó, các chuyên gia trong và ngoài nước thống nhất kiến nghị, Lào hoãn xây dựng đập Pắc-Beng, kéo dài thêm thời gian tham vấn để nghiên cứu đánh giá tác động một cách đầy đủ hơn. Cần điều tra khảo sát bổ sung về đa dạng sinh học, sinh thái học nguồn lợi thủy sản, kinh tế – xã hội nghề cá. Cải tiến thiết kế công trình đường dẫn cá di cư ngược/xuôi dòng cho tất cả các nhóm loài và kích thước khác nhau.
Cần đánh giá tác động toàn diện của thủy điện Pắc-Beng tới thủy sản, bao gồm cả các tác động lũy tích, xuyên biên giới. Nghĩa là phải nghiên cứu với đầy đủ số liệu của hai đập đã xây dựng ở Lào là Xay-a-bu-ri, Đôn-Sa-hong và các đập đã xây dựng ở Trung Quốc, cả một số đập dự kiến xây dựng ở hạ lưu sông Mê Kông.
Đặc biệt, cần đánh giá đầy đủ tổn thất nghề cá và kinh tế – xã hội do tác động của đập. Trong đó, đánh giá đầy đủ các tác động xuyên biên giới và tác động liên kết của các đập đến nguồn lợi thủy sản/nghề cá ở hạ lưu liên quan đến sinh kế của khoảng 6,8 triệu dân Lào, 16 triệu dân Campuchia, 20 triệu dân Thái Lan và 20 triệu dân Việt Nam. Khi đánh giá đầy đủ tác động sẽ xây dựng các chương trình giảm nhẹ tác động, bồi hoàn tổn thất về sản lượng khai thác của cộng đồng. Trong đó, có giải pháp đền bù tổn thất thủy sản cho người dân chịu tác động.
>> Các chuyên gia cho rằng, nếu Dự án được thiết kế, xây dựng và vận hành như trong tập tài liệu đã nộp cho quá trình tham vấn thì sẽ gây tác động lớn lên thủy sản. Nó sẽ gây nguy cơ đe dọa, dẫn tới tuyệt chủng loài cá da trơn khổng lồ trên sông Mê Kông. |