Ông Vũ Văn Vân: Ngành tôm hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là dịch bệnh, chi phí sản xuất cao và tâm lý chạy theo xu hướng mà thiếu dữ liệu thực tiễn.
Thứ nhất, về dịch bệnh, hệ thống quản lý nước chưa đồng bộ, ao nuôi chưa được quy hoạch hợp lý dẫn đến tình trạng ô nhiễm chéo giữa các trại. Có những khu nuôi đã vận hành ổn định nhiều năm, nhưng rồi lại bị thay đổi quy hoạch đột ngột, khiến hàng trăm hộ dân rơi vào tình thế khó khăn. Bên cạnh đó, việc xử lý nước chưa hiệu quả cũng là nguyên nhân làm gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất nuôi.
Thứ hai, chi phí sản xuất ngày càng tăng, từ thức ăn, xử lý nước đến nhân công và điện năng. Chẳng hạn, chi phí xử lý nước có thể lên tới 0,5 – 1 USD/kg tôm, nhưng nếu có dữ liệu cụ thể về chất lượng nước và các yếu tố môi trường, người nuôi có thể tối ưu chi phí này đáng kể.
Cuối cùng là tâm lý người nuôi. Nhiều hộ nuôi tôm chạy theo mô hình “3 sạch” hay siêu thâm canh vì thấy hiệu quả ban đầu mà không đánh giá kỹ các rủi ro lâu dài. Khi thị trường biến động, họ khó xoay xở và dễ gặp thua lỗ. Quan trọng là cần có tư duy dài hạn và kiên trì với một quy trình đã được nghiên cứu bài bản, thay vì liên tục thay đổi theo trào lưu.
Những vấn đề trên không chỉ ảnh hưởng đến từng hộ nuôi mà còn tác động đến sự phát triển chung của ngành. Khi chi phí sản xuất cao nhưng năng suất không ổn định, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp bất lợi so với các nước như Ecuador hay Ấn Độ, nơi chi phí thấp hơn và mô hình nuôi đang được tối ưu. Bên cạnh đó, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh và chất lượng sản phẩm, uy tín của tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Để phát triển bền vững, tôi nghĩ có ba điều quan trọng.
Thứ nhất, cần quy hoạch lại hạ tầng nuôi một cách đồng bộ, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, nhiều khu vực nuôi vẫn còn tình trạng xả thải tự do, ảnh hưởng đến môi trường chung.
Thứ hai, cần tận dụng công nghệ và dữ liệu để tối ưu sản xuất. Ngành nuôi tôm cần một hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu chính xác hơn, giúp người nuôi có quyết định đúng đắn thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm. Nếu có thể kiểm soát tốt các yếu tố môi trường và dịch bệnh, ngay cả những thay đổi nhỏ cũng có thể mang lại hiệu quả lớn.
Cuối cùng, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển. Không nên chỉ tập trung vào sản lượng cao bằng mọi giá mà cần đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính bền vững. Chẳng hạn, qua dữ liệu thực tế mà chúng tôi thu thập trong vài năm qua, mật độ nuôi dưới 110 con/m² sẽ giúp mô hình nuôi ổn định hơn. Việc giảm mật độ sẽ giúp tôm phát triển tốt hơn, giảm áp lực môi trường và hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Tôi tin rằng nếu có chiến lược phù hợp và sự phối hợp từ cả người nuôi, doanh nghiệp và cơ quan quản lý, ngành tôm Việt Nam sẽ có hướng đi vững chắc hơn trong tương lai.