Lâm Đồng: Nuôi cá rô phi theo hướng GAP

Chưa có đánh giá về bài viết

Lần đầu tiên, 4 hộ gia đình nông dân ở xã Tân Văn và xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng thực hành kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP, đạt hiệu quả kinh tế khá cao so với kinh nghiệm thả nuôi thông thường.

Các tài liệu nghiên cứu khoa học đã ghi nhận, cá rô phi đơn tính đực đang được thả nuôi khá phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Đây là loài thủy sản nước ngọt, thích nghi với một “biên độ” nhiệt độ khá “rộng” – từ 9 – 42 độ. Và đây cũng là loài cá ăn tạp, có thể ăn các loài lá cây thực vật hoang dại cùng các loại bùn bã hữu cơ, góp phần làm trong sạch môi trường sinh thái nước ao hồ, lồng bè… Khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, ở địa bàn miền núi Lâm Đồng, cá rô phi đơn tính đực hiện đang sản xuất trên nhiều diện tích mặt nước, nhưng vẫn còn dựa theo các quy trình kỹ thuật thông thường; nuôi theo hình thức quảng canh hoặc bán thâm canh, người nuôi còn sử dụng nguồn thức ăn “thu hái” trong tự nhiên mà không qua “kiểm nghiệm”, nên năng suất và chất lượng cá thu hoạch vẫn gặp nhiều hạn chế. Để nâng cao hơn nữa giá trị sản xuất cá rô phi đơn tính đực trên địa bàn miền núi Lâm Đồng, từ cuối tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã “xuất phát” cùng với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai xây dựng 4 mô hình điểm “Nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo quy trình GAP” tại xã Tân Văn và xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà.  

Năng suất thu hoạch “cá rô phi GAP” cao hơn 30 - 35% cá rô phi “nuôi thường” 

Năng suất thu hoạch “cá rô phi GAP” cao hơn 30 – 35% cá rô phi “nuôi thường”

4 mô hình điểm được chọn với 4 hộ gia đình có nhiều kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt ở huyện Lâm Hà nói trên, mỗi hộ gia đình cùng hợp tác nuôi cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP với diện tích mặt nước từ 2 – 3.000m2. Anh Nguyễn Văn Thành, kỹ sư của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng – người trực tiếp tổ chức thực hành mô hình cho biết: Bước đầu tiên để triển khai quy trình, các cán bộ kỹ thuật đã cùng với 4 “chủ mô hình” cải tạo, làm vệ sinh sạch sẽ hồ nuôi, xử lý nước bằng vôi bột nông nghiệp, bằng hóa chất và các chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép sử dụng nuôi trồng thủy sản trên cả nước. Bước tiếp theo là thả cá giống khỏe mạnh nhất, hình dáng cá bên ngoài tươi sáng, không bị dị hình, dị tật; gồm 70% giống cá rô phi đơn tính đực, mỗi con có kích cỡ từ 4 – 6cm;  tỷ lệ 30% nuôi ghép gồm cá chép lai (kích cỡ chiều dài 4 – 6 cm/con), cá mè và cá trắm cỏ (kích cỡ chiều dài trên 12 cm/con); mật độ thả nuôi 2,5 con/m2. Bước chăm sóc cá và quản lý hồ nuôi (kéo dài khoảng 7 tháng) được các cán bộ kỹ thuật luôn bám sát mô hình, hướng dẫn nông dân cách bảo vệ nguồn nước xanh trong, cách sử dụng thuốc kháng sinh an toàn cho cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các phương pháp ghi chép nhật ký “trưởng thành” của cá hàng ngày cùng những phát sinh mới về điều kiện, môi trường, thời tiết xung quanh hồ nuôi …

Đến đầu tháng 12/2013, trọng lượng thu hoạch bình quân của cá rô phi thuộc 4 mô hình nuôi theo hướng GAP đạt 0,6 kg/con. Tính với giá thị trường 30.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư giống, vật tư, công lao động, số lãi thu về từ 22 – 26 triệu đồng/1.000m2 mô hình. “Nếu làm phép tính chung trên 1 ha mặt nước, với kỹ thuật theo theo hướng GAP trong 7 tháng sẽ thu đạt 13 tấn cá rô phi và gần 10 tấn cá mè, chép, trắm cỏ nuôi ghép…” – kỹ sư Thành nói thêm. 

So sánh với những kỹ thuật nuôi theo kinh nghiệm thông thường, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP đã rút ngắn thời gian thu hoạch đến 3 tháng; năng suất thu hoạch cá thương phẩm cao hơn từ 30 – 35%. Tuy nhiên, có 1 mô hình không đạt yêu cầu do thả cá giống gặp lúc thời tiết mưa kéo dài, việc xử lý nguồn nước mưa trong hồ nuôi không kịp thời và không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến số cá nuôi chết với tỷ lệ tăng nhiều trong quá trình chăm sóc, kết quả chỉ đạt lãi gần 8,2 triệu đồng/1.000m2 mặt nước. 

Những nguyên nhân nuôi cá rô phi theo hướng GAP đạt lãi cao và đạt lãi thấp đều được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng khuyến cáo rộng rãi cho người nông dân ở huyện Lâm Hà, đặc biệt tập trung tập huấn, hội thảo chuyển giao kỹ thuật cho số hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tham gia nhiều nhất ở khu vực thực hành mô hình là xã Tân Văn và xã Đông Thanh. Hiện các “chủ mô hình” đang cải tạo hồ nuôi, chuẩn bị xuống giống lứa mới cá rô phi đơn tính theo hướng GAP, hứa hẹn sẽ là những điểm trình diễn thiết thực giúp nông dân nhân rộng mô hình, đạt hiệu quả kinh tế nhiều hơn.

Văn Việt

Báo Lâm Đồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!