Làm gì để cá tra nuôi hiệu quả và bền vững?

Chưa có đánh giá về bài viết

Nuôi cá tra ngày một khó, không chỉ bởi giá cả bấp bênh, mà còn do hao hụt trong hoạt động nuôi nhiều. Có ao nuôi cá hao hụt đến hơn 50%, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Cùng với yếu tố con giống, kỹ thuật, môi trường nước ngày càng xấu hơn cũng là nguyên do lớn.

Tác động

Theo báo cáo của các địa phương, hiện nay diện tích thả nuôi cá tra thâm canh vùng ĐBSCL ổn định khoảng 5.000 ha. Nuôi thâm canh được coi như là quá trình bao gồm một lượng lớn vật liệu được đưa vào sau đó chỉ một lượng nhỏ vật nuôi được thu hoạch, phần còn lại được coi như là chất thải ra môi trường bên ngoài. Thức ăn công nghiệp có thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là giàu đạm, photpho là nguồn tác động mạnh đến môi trường.

Theo tính toán của những người nuôi cá, để có 1 kg cá tra nguyên liệu phải tiêu tốn khoảng 1,7 – 2 kg thức ăn tổng hợp các loại, như vậy cứ mỗi kilogam cá nguyên liệu có 0,7 – 1 kg chất thải cá (kể cả lượng thức ăn dư thừa) vào ao nuôi. Năm 2015, đã có gần 1 triệu tấn chất thải có nguồn gốc từ thức ăn nuôi cá trong các ao nuôi; ngoài ra, còn một lượng không nhỏ hóa chất xử lý môi trường, phòng trị bệnh.

Các nghiên cứu khi thử nghiệm nuôi cá da trơn trong 90 ngày cho thấy, cá chỉ hấp thu được khoảng 37% hàm lượng N và 45% hàm lượng P trong thức ăn cho vào ao nuôi. Như vậy, để đạt được sản lượng trung bình khoảng 200 tấn cá/ha với hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là 1,8 cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 360 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường gần 290 tấn.

 Bảo vệ môi trường phát triển bền vững cá tra

Ảnh: LHV

Khắc phục

Để môi trường nước phục vụ hoạt động nuôi cá tra nói riêng, cũng như môi trường sinh thái nói chung được bảo vệ tốt thì biện pháp duy nhất là phải xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường.

Tại Thái Lan, các nhà khoa học đã sử dụng giải pháp nuôi tuần hoàn cá da trơn trong điều kiện thí nghiệm, bao gồm nước thải từ bể nuôi cá tra chuyển sang bể nuôi cá rô phi, sau 3 – 7 ngày được tuần hoàn lại vào bể nuôi cá tra, cho hiệu quả kinh tế và môi trường. Tại Đại học Clemson (Mỹ) cũng đã sử dụng hệ thống tuần hoàn để xử lý nước thải từ khu nuôi cá da trơn và tận dụng chất dinh dưỡng trong nguồn nước thải để nuôi tảo thu sinh khối để sử dụng cho các mục đích năng lượng.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu sử dụng hệ thống đất ngập nước để xử lý nước thải trong nuôi cá tra cho hiệu quả. Thử nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ sử dụng cách lọc nước thải qua đất ngập nước chảy ngầm kiến tạo cho hiệu quả xử lý khá cao. Hiệu quả xử lý trong hệ thống này là khá khả quan: BOD5 đạt 84%. Nhiều địa phương ở Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long… đã sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra để tưới cho lúa, bơm vào vườn cây ăn trái, nâng cấp nền nhà ở hay một số bà con ở tỉnh An Giang dùng nước thải ao nuôi cá tra để nuôi trứng nước.

Đầu tư nghiên cứu làm rõ về thành phần chất thải theo thời gian nuôi cá, xác định rõ tải lượng các chất ô nhiễm từ các ao nuôi để trên cơ sở đó tính toán diện tích và cách thức xử lý cho phù hợp. Với đặc tính lượng chất thải lớn, thành phần chủ yếu là các chất dễ phân hủy sinh học, các khu nuôi nằm gần các vùng sản xuất nông nghiệp nên giải pháp thủy lợi cho vấn đề này là dẫn nước thải từ khu nuôi sử dụng cho các khu sản xuất nông nghiệp sẽ có tính khả thi và phù hợp với điều kiện về đất đai, cơ sở hạ tầng và trình độ quản lý của các địa phương.

 

>> Theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và xử lý nước (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), tại Tiền Giang, mức độ ô nhiễm vùng nuôi cá tra là khá lớn, đặc biệt là chất ô nhiễm dạng N. Có tới 80 – 82% hàm lượng N hòa tan dưới dạng NH4+. Xét giá trị hàm lượng Ca cho thấy 32 – 46% hàm lượng Ca ở dạng hòa tan trong nước và 54 – 68% ở dạng lơ lửng.

Thành Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!