Làng nghề khô tất bật vào Tết

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các sản phẩm thủy sản khô (khô biển) đã xuất hiện trong nhiều bữa ăn của gia đình, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, vào những ngày cuối năm, các làng nghề ở miền Tây luôn hoạt động gần như sáng đêm để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Cùng đó, các làng nghề cũng luôn chú trọng làm ra những mặt hàng khô ngon, chất lượng, luôn được người tiêu dùng tín nhiệm, thương hiệu ngày càng vươn xa.

Tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang¸ có nhiều cơ sở sản xuất khô cá lóc các loại (má cá, bao tử, sợi cá), khô cá sặc, cá tra phồng, cá lìm kìm; trong đó, mặt hàng chủ lực vẫn là khô cá lóc. Vào tháng giáp Tết, các cơ sở đều tăng công suất, hoạt động hầu như 24/24 giờ. Như với cơ sở sản xuất khô cá lóc Nhựt Tâm ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, hàng chục lao động đang khẩn trương làm các công đoạn để kịp đưa sản phẩm ra thị trường. Theo ông Nguyễn Văn Ngoan, chủ cơ sở, đơn vị đã chuẩn bị hơn 6 tấn cá lóc để làm khô, công suất mấy ngày gần đây tăng hơn 10% so với nửa tháng trước.

Còn tại làng nghề sản xuất khô, mắm ở phường An Lạc, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, các giàn phơi cá bằng tre được dựng lên dày đặc hai bên đường. Mùi đặc trưng của khô cá lóc và mắm từ các cơ sở tỏa ra đậm đà. Bên trong các cơ sở, nhân công đang hối hả chế biến cá lóc nguyên liệu để chuẩn bị cho công đoạn phối trộn, ướp khô. Ông Trần Văn Á, chủ cơ sở khô cá lóc Út Á chia sẻ, năm nay do khó khăn vì dịch COVID-19 nên sản lượng của cơ sở giảm khoảng 20 – 30% so năm trước. Do giá cá nguyên liệu tăng nên giá sản phẩm khô thị trường Tết này cũng thay đổi. Đơn vị vẫn đang tăng cường sản xuất và luôn chú trọng vào chất lượng để giữ gìn thương hiệu đặc sản của địa phương.

Ông Nguyễn Trọng Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương có trên 30 cơ sở sản xuất, chế biến khô (chủ yếu tập trung ở thị trấn Gành Hào), mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 700 tấn khô. Nhằm nâng cao giá trị con khô Gành Hào, những năm qua, huyện phối hợp cùng các ngành chức năng tăng cường các hoạt động kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm, giúp người làm khô yên tâm gắn bó với nghề, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập. Đến nay, đã có trên 10 sản phẩm khô của các chủ thể trong huyện được đánh giá, phân hạng OCOP theo tiêu chuẩn 3 sao như tôm khô, chả tôm, chả cá, chà bông, khô mực, khô mực một nắng, khô cá thu một nắng, khô cá kèo… Năm nay, Gành Hào có trên 30 tấn khô để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán; trong đó, cung cấp theo đơn đặt hàng của các vựa khô ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh trên 20 tấn, còn lại bán lẻ khoảng 10 tấn. 

Theo các hộ dân làm nghề khô tại tỉnh Bạc Liêu, nghề làm khô diễn ra quanh năm, nhưng mùa Tết là mùa sôi động nhất, làm nhiều sản phẩm nhất và cho doanh thu tốt nhất. Để con khô tại đây đạt chất lượng, có thương hiệu, những công đoạn làm khô từ thu mua nguyên liệu, đến xẻ, ướp, phơi nắng, đóng gói sản phẩm đều phải đảm bảo đúng quy trình. Những sản phẩm như khô cá lưỡi trâu, khô cá đuối, khô cá lù đù, cá khoai, khô mực, tôm khô…; sau khi thành phẩm không chỉ phục vụ thị trường tại Bạc Liêu mà được vận chuyển đi khắp các tỉnh, thành phố, là mặt hàng biếu Tết được người dân ưa chuộng.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!