Cùng với việc đầu tư cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi, để hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, ngư dân Thanh Hóa đã chủ động trang bị các thiết bị khai thác hải sản hiện đại, nhờ đó, năng suất, giá trị kinh tế tăng đáng kể.
Ảnh minh họa
Với giá trị một máy tời thủy lực là 20 triệu đồng, trang bị cho tàu cá, tốc độ thu lưới tăng hơn so với kéo lưới bằng tay, sản lượng đánh bắt cũng tăng lên. Ngư dân Trần Chí Đồng, chủ tàu TH 0519 TS làm nghề lưới rê hỗn hợp ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn), cho biết, nhờ trang bị hệ thống tời thủy lực kéo lưới nên gần đây mọi thao tác diễn ra nhanh hơn, giải phóng bớt sức lao động. Khi chưa sử dụng máy thì 6 lao động trên tàu phải thay ca kéo liên tục trong 6 giờ đồng hồ thì mới xong và 1 ngày chỉ đánh có 1 mẻ lưới. Nhưng khi có máy, với dàn lưới có chiều dài 3,5 hải lý thì khoảng 1,5 – 2 giờ là đã kéo xong lưới, một ngày đánh bắt từ 2 – 3 mẻ lưới. Tốc độ thu lưới của máy tời cao gấp 5 lần so với kéo lưới bằng sức người.
Từ hiệu quả của việc lắp máy tời thủy lực trên tàu cá, ngư dân ở các địa phương trong tỉnh đã đầu tư lắp đặt hệ thống tời kéo lưới trên tàu cá khi đóng mới hoặc cải hoán. Các tời kéo lưới hiện nay cũng rất đa dạng chủng loại, được lắp đặt ở hầu hết loại nghề sản xuất xa bờ như lưới rê hỗn hợp, chụp mực, lưới vây. Tùy theo kích cỡ tàu cá mà ngư dân chọn lựa lắp đặt tời kéo lưới phù hợp. Hệ thống các thiết bị trên tời kéo lưới gồm công cụ rút dây, thu lưới, máy cẩu cá lên thân tàu và vợt vớt hải sản. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, máy còn có ưu điểm là hệ thống thủy lực làm việc êm, không gây tiếng ồn, tháo lắp dễ dàng, dễ sử dụng, phù hợp cho các loại tàu cá khai thác, ngay cả với những tàu đánh cá có diện tích chật hẹp. Việc áp dụng máy tời thủy lực không chỉ thay đổi thói quen đánh bắt, khai thác hải sản bằng phương pháp thủ công của bà con ngư dân, mà còn góp phần tăng năng suất, giá trị của các loại hải sản.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc ứng dụng ánh sáng bằng hệ thống đèn LED trong các nghề khai thác hải sản phát triển khá nhanh cả về số đội tàu sử dụng lẫn công suất ánh sáng. Các dạng đèn trong nghề cá được ngư dân trên địa bàn tỉnh sử dụng chủ yếu là đèn cao áp, đèn huỳnh quang. Qua sử dụng, các chủ tàu đối chứng sản lượng với tàu không sử dụng hệ thống ánh sáng, năng suất cao hơn 0,4 tấn/mẻ/chuyến. Bên cạnh việc đầu tư thiết bị, máy móc, ngư dân cũng chú trọng đầu tư hầm bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngư dân Dương Văn Công, chủ tàu TH 9808 TS có công suất hơn 400 CV ở phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn) chia sẻ, từ khi đầu tư hơn 70 triệu đồng để nâng cấp 6 hầm bảo quản hải sản trên tàu bọc bằng các chất liệu xốp, i-nox, phun PU (Polyurethane), mỗi chuyến ra khơi kéo dài từ 20 – 25 ngày không lo đá lạnh tan, ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản hải sản nữa.
Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã giúp ngư dân trong tỉnh có điều kiện vay vốn, đóng mới tàu vỏ gỗ, vỏ thép công suất lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại để vươn khơi. Hầu hết các tàu đều được trang bị các thiết bị hiện đại, như: Máy dò chụp, dò quét, ra đa, hải bàn, định vị, máy movimar, bộ đàm 12 băng tần… giúp ngư dân đánh bắt hiệu quả, bảo đảm an toàn, giảm thiểu rủi ro khi hoạt động trên biển. Để ngư dân đầu tư trang thiết bị hiện đại và sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị, công nghệ khai thác và bảo quản… các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần thường xuyên mở lớp đào tạo, tập huấn cho ngư dân.
Tỉnh Thanh Hóa khuyến khích ngư dân đầu tư phát triển khai thác hải sản xa bờ, ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác bằng bọt xốp PU, máy dò ngang SONA, cơ giới hóa trong khai thác. Nâng cấp các xưởng đóng mới, sửa chữa tàu cá, các cơ sở sản xuất, chế tạo ngư cụ và máy khai thác từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ.
Lê Hợi