(TSVN) – Bổ sung 42 – 50 g/kg lecithin đậu nành vào thức ăn đã cải thiện khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, tăng trưởng và giảm tích tụ mỡ trong thân cá rô phi trong điều kiện nhiệt độ dưới mức tối ưu.
Do những thay đổi chính trong chuyển hóa lipid ở nhiệt độ dưới tối ưu, việc điều chỉnh thành phần này trong thức ăn rất quan trọng. Các nghiên cứu trước đây chỉ ra, chế độ ăn chứa axit béo không bão hòa đa (PUFAs), chủ yếu là omega-3, đã cải thiện tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) nuôi ở nhiệt độ dưới tối ưu. Ngoài ra, khả năng chịu nhiệt và sức sống của cá cũng được cải thiện đáng kể nhờ bổ sung PUFA omega-3.
Đậu nành là một trong những giải pháp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về protein trên toàn cầu. Ảnh: USSC
Điều chỉnh lipid trong khẩu phần ăn của cá rô phi ở nhiệt độ dưới tối ưu đã được nghiên cứu trước đây thông qua bổ sung các nguồn lipid khác nhau, hỗn hợp dầu thực vật hoặc phụ gia thức ăn, trong đó axit béo ở dạng triacylglycerols (lipid trung tính). Phospholipid là lipid thuộc nhóm phân cực và tốt hơn lipid trung tính trong vai trò cung cấp axit béo nhờ khả năng tiêu hóa vượt trội. Nhiều tài liệu khoa học đã chứng minh phospholipid giúp cải thiện quá trình nhũ hóa lipid và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiêu hóa bằng cách cải thiện sự hấp thụ axit béo chuỗi dài. Do đó, phospholipid là phụ gia tiềm năng cho cá vào thời tiết lạnh.
Hiện, lecithin đậu nành là nguồn phospholipid chủ yếu trong thức ăn cá và giáp xác. Do đậu nành được canhtácrộngrãi,nênnguồncung phospholipid lecithin đậu nành uôn sẵn có. Phospholipid giúp cá thích nghi tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp đã được khẳng định, nhưng chưa có nghiên cứu đánh giá phospholipid lecithin đậu nành đối với cá trong điều kiện nhiệt độ dưới tối ưu. Do dó, cần xem xét sự phân bố vùng nuôi cá rô phi toàn thế giới, gồm khu vực khí hậu cận nhiệt đới.
Nghiên cứu gồm thử nghiệm tăng trưởng và tiêu hóa với 4 nghiệm thức 0SL, 21SL, 43SL và 64SL được xây dựng theo công thức isonitrogenous chứa lượng lecithin đậu nành lần lượt 0, 21, 43, và 64g/kg. Nghiên cứu được thực hiện tại
Khoa NTTS, Đại học Santa Catarina, Florianópolis, Brazil trên rô phi non dòng cải tiến di truyền (GIFT). Cho cá thích nghi với điều kiện phòng thí nghiệm trong bể RAS 1.000 lít, nhiệt độ nước 28°C trong hai tuần. Sau đó, các nhóm gồm 25 con cá được chia vào 24 bể 100 lít (mỗi bể là một đơn vị thí nghiệm), nhiệt độ 28°C trong 1 tuần. Trong tuần thứ hai, nhiệt độ nước giảm dần từ 28°Cxuống 22°C và từ tuần thứ 3 duy trì 22°C.
Vai trò quan trọng của phospholipid với tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá rô phi đã được chứng minh rõ ràng. Theo đó, bổ sung phospholipid dưới dạng lecithin đậu nành đã cải thiện tăng trọng, hiệu quả sử dụng thức ăn và khả năng tiêu hóa lipid của cá ở nhiệt độ dưới tối ưu (22°C). Mức lecithin đậu nành tối ưu là 42,2 g/kg để hỗ trợ tăng trọng và 49,9 g/kg để đạt hiệu quả sử dụng thức ăn.
Một số nghiên cứu đã báo cáo lợi ích của phospholipid đối với cá về cải thiện tăng trưởng, tỷ lệ sống, khả năng chống sốc nhiệt, sự hấp thụ và phân phối lipid, đặc biệt đối với ấu trùng cá và cá biển. Tuy nhiên, rất ít nghiên cứu đề cập đến việc đưa phospholipid vào chế độ ăn của cá nước ngọt giai đoạn con non và trưởng thành vì chúng có khả năng tổng hợp phospholipid cao hơn các loài cá biển.
Kết quả tăng trưởng tích cực cũng được ghi nhận trên cá rô phi non ở nhiệt độ tăng trưởng tối ưu khi bổ sung phosphatidylcholine tinh khiết (PC) vào chế độ ăn. PC là một trong những phospholipid có nhiều nhất trong mô cá và các thành phần thực vật gồm lecithin đậu nành. Trong các nghiên cứu này, bổ sung 15 g PC/kg vào thức ăn giúp cải thiện tăng trọng và hiệu quả sử dụng thức ăn của rô phi non trong điều kiện 28°C. Tuy nhiên, PC không ảnh hưởng đến tăng trọng của cá rô phi trưởng thành trong điều kiện nhiệt độ 28 – 34°C, mặc dù hiệu quả sử dụng thức ăn và hàm lượng PC trong gan tăng lên nhưng hàm lượng chất béo trong gan, nội tạng và thân lại giảm.
Ở nhiệt độ lý tưởng, không cần bổ sung phospholipid cho cá nước ngọt ăn tạp vì chúng có khả năng tổng hợp để đảm bảo chức năng sinh lý đầy đủ. Tuy nhiên, ở nhiệt độ thấp, nhu cầu dinh dưỡng của cá nước ngọt, đặc biệt là nhu cầu lipid, có thể thay đổi do điều kiện biến nhiệt và những thay đổi trao đổi chất vốn có của chúng. Do đó, bổ sung phospholipid vào khẩu phần ăn của cá rô phi góp phần cải thiện hiệu suất tăng trưởng ở nhiệt độ dưới mức tối ưu.
Lecithin đậu nành giúp tiêu hóa chất dinh dưỡng tốt hơn bởi đặc tính nhũ hóa. Hoạt động của chất nhũ hóa liên quan đến tăng bề mặt hoạt động của lipid và thúc đẩy sự hình thành mixen. Do đó, đánh giá sản phẩm để cải thiện tiêu hóa và hấp thụ lipid ở ruột, từ đó nâng cao hiệu quả dinh dưỡng tổng thể, là một chiến lược quan trọng để tăng tính bền vững của ngành rô phi trong điều kiện nhiệt độ dưới mức tối ưu.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, dù ở nhiệt độ thấp, lecithin đậu nành đã cải thiện khả năng tiêu hóa lipid tổng, lipid phân cực và các nhóm axit béo bão hòa (SFA), không bão hòa đa (PUFA), không bão hòa đơn (MUFA). Tiêu hóa chất dinh dưỡng được cải thiện đã thúc đẩy lượng ăn của rô phi ở khẩu phần 43 g per kg lecithin. Đây là cơ sở khẳng định cá ăn bổ sung lecithin đậu nành tăng trưởng tốt hơn. Nhóm nghiên cứu đề xuất mức lecithin đậu nành tối ưu là 42 – 50 g/kg để đạt hiệu quả sử dụng thức ăn tốt nhất.
Bột cá cũng là nguồn phospholipid tốt nhưng không bền vững và đắt đỏ. Do đó, phospholipid giá rẻ và hiệu quả như lecithin đậu nành phù hợp hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện thêm nghiên cứu các nguồn phospholipid, sự ảnh hưởng đến miễn dịch của cá trước các thách thức khác nhau trong quá trình nuôi.
Dũng Nguyên
(Theo Aquafeed)