Ngày 15/7, đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và 24 nước tham gia Hội đồng Bảo tồn Nguồn Sinh vật biển Nam Cực (CCAMLR) đã bắt đầu cuộc họp hai ngày tại thành phố cảng Bremerhaven của Đức nhằm tìm cách phá vỡ bế tắc hiện nay liên quan đến việc thành lập các khu vực bảo tồn động vật biển ở Nam Cực.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Peter Bleser (ảnh) đã kêu gọi đại diện các nước nắm bắt cơ hội này để bảo vệ các sinh vật biển ở Nam Cực.
Hồi năm ngoái, một số nước trong đó có Nga, Ukraine và Trung Quốc đã phản đối dự án của Mỹ và New Zealand thành lập vùng bảo tồn động vật biển ở Biển Ross.
Ngoài ra, nhiều nước cũng đang phản đối kế hoạch của EU và Australia về thành lập một khu bảo tồn nằm trên bảy khu vực tỏa ra từ giữa đường bờ biển Vùng Lãnh thổ Nam Cực thuộc Australia, giữa các điểm phía nam Tasmania và Nam Phi, cùng ba khu vực lớn nhất trải dài từ đáy biển và mở rộng 1.000 km tới ngoài khơi phía đông Nam Cực.
Các khu vực này rộng lớn này có tầm ảnh hưởng rộng ở Nam Đại Dương. Chúng được thiết kế để bảo vệ vùng sinh sống của chim cánh cụt, hải cẩu và cá voi cũng như khu vực sinh sản của loài tép biển (krill) và cá răng cưa, loại cá được coi là ‘vàng trắng’ ở Nam Đại Dương.
Phía Australia cho rằng khu vực bảo tồn rộng lớn này sẽ là khu khảo cứu giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về áp lực của hoạt động đánh bắt cá hay hiện tượng biến đổi khí hậu ở Nam Đại Dương, đồng thời muốn CCAMLR đảm bảo giới hạn đánh bắt cá trong khi vẫn duy trì ổn định hệ sinh thái.