(TSVN) – Đó là phát biểu của Chủ tịch một doanh nghiệp chế biến thủy sản hàng đầu tại Trung Quốc trước sắc lệnh mở rộng của Mỹ đối với thủy sản Nga và có nguồn gốc từ Nga.
Hiệp hội Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), đơn vị đại diện cho ngành chế biến thủy sản, cho biết vẫn đang đánh giá tác động của sắc lệnh mở rộng của Mỹ. Trong một bài phỏng vấn ngày 29/12/2023, ông Cui He, chủ tịch CAPPMA phát biểu: “Rất khó để nói về tình hình lúc này”.
Một nhà máy chế biến cá thịt trắng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, một doanh nghiệp trong ngành thủy sản ở Đại Liên cho rằng có thể thấy rõ tác động của sắc lệnh này rất lớn, đặc biệt ảnh hưởng tới các công ty xuất khẩu có định hướng thị trường mục tiêu chính là nước Mỹ. Ông Deng En Tang, Chủ tịch Tập đoàn Dalian Rich – một trong những nhà chế biến cá hồi khai thác lớn nhất Trung Quốc, phát biểu: “Đây là một thách thức lớn, có thể lập lại trật tự ngành thủy sản thế giới”. Ông Deng cho biết hiện thị trường Mỹ chiếm 15% tổng thủy sản xuất khẩu của Tập đoàn, nhưng lệnh cấm này của Mỹ sẽ là đợt sóng đánh lái con thuyền của Dalian Rich tìm đến các thị trường khác trên thế giới.
Các nhà chế biến Trung Quốc cũng đưa ra dự đoán về sự biến động giá và dư cung thủy sản Nga trong thời gian tới. Cũng theo ông Deng, “Nếu Mỹ ngừng nhập khẩu thủy sản nguyên liệu của Nga, khoảng trống thị trường ấy liệu cá Alaska có đủ điều kiện đáp ứng? Trong trường hợp khoảng trống đó không được lấp đầy, vậy sản phẩm nào sẽ được nhắm tới? Cá rô phi chăng? Hẳn đây sẽ mở ra một cơ hội thị trường mới. Mặt khác, khi Nga đối mặt với dư cung, quốc gia nào sẽ trở thành thị trường xuất khẩu mục tiêu Nga? Tôi tin Trung Quốc vẫn là lựa chọn đầu tiên, cùng với Đông Nam Á, châu Phi và các thị trường mới nổi.”
Ông Deng cho rằng giá thủy sản tại Viễn Đông của Nga sẽ tiếp tục giảm trong khi thủy sản vùng Alaska tăng cao. Như vậy người tiêu dùng Mỹ có vẻ là người không có lợi. Sự mập mờ của thị trường mở ra cả cơ hội và thách thức cho các nhà chế biến, do đó các doanh nghiệp cần chuẩn bị phương án ứng phó với cả hai tình huống. “Lệnh cấm của Mỹ khiến doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kiếm mở rộng thị trường ở châu Âu, Đông Nam Á và tận dụng thị trường nội địa. Chúng ta phải tự tin mình có thể xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc Nga sang các thị trường khác ngoài Mỹ”, ông Deng nói.
Trả lời phỏng vấn trang tin thủy sản Undercurrentnews của Mỹ, chủ một doanh nghiệp chế biến (giấu tên) có trụ sở tại Thanh Đảo xác nhận lệnh cấm của ông Biden phá vỡ các kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp và giá nguyên liệu thủy sản sẽ có biến động lớn. “Các công ty có định hướng xuất khẩu sang Mỹ sẽ không thể sử dụng thủy sản Nga làm nguyên liệu chế biến, như vậy nhu cầu các nguồn thủy sản Mỹ và Na Uy sẽ gia tăng, giá có nguy cơ sẽ leo thang”, ông cho biết, “Tuy nhiên cũng chưa có gì chắc chắc. Bởi nếu trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đi xuống, nhu cầu thủy sản của người tiêu dùng giảm, vậy giá nguyên liệu thủy sản có thể sẽ không tăng”.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp ở Trung Quốc đã chuẩn bị cho lệnh cấm này từ hai tháng trước. Tại Triển lãm Thủy sản và Hải sản Trung Quốc diễn ra ở Thanh Đảo hồi tháng 10/2023, các doanh nghiệp và đại biểu từ Mỹ đã nhấn mạnh có khả năng lệnh cấm sẽ được thông qua, do đó các doanh nghiệp đã nhanh chóng lên kế hoạch chuẩn bị ngay từ thời điểm đó.
>> Tháng 2/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh (EO) 14068 cấm nhập khẩu thủy sản Nga, EO có hiệu lực cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, EO không nêu rõ cấm nhập khẩu các sản phẩm từ quốc gia thứ ba sử dụng thủy sản Nga làm nguyên liệu chế biến.
Do đó, ông Biden đã ký thêm một EO mở rộng phạm vi của EO 14068 và chính thức có hiệu lực ngày 22/12/2023. EO ghi rõ "Các sản phẩm cụ thể khai thác trên lãnh hải Nga hoặc bởi các tàu cá treo cờ Nga, thậm chí những sản phẩm được xử lý, chế biến ở quốc gia thứ ba đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ".
An Vy
(Theo Undercurrentnews)