(TSVN) – Sáng 21/6, tại TP Cần Thơ, diễn ra Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự. Tại Hội nghị, Hồ sơ quy hoạch đã được trao cho lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, trong đó chú trọng sự liên kết để phát triển, thoát tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị đã nhấn mạnh, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng “Liên kết vùng còn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả”. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu và yếu. Trước hết, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển tải của cải vật chất được sản xuất tại vùng ra cả nước và thế giới. Thiếu cảng biển nước sâu để kết nối với quốc tế. Thiếu các trung tâm tiếp vận và kho vận của vùng. Giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Thủ tướng chỉ đạo: Nay đã có quy hoạch vùng ĐBSCL, cần tích cực triển khai, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương. Trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistic. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất. Ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch với vựa nông, thủy sản lớn nhất cả nước ở ĐBSCL.
Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030. Ảnh: ST
Đặc biệt, toàn vùng phải có chương trình, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần. Tăng cường đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ. Đẩy mạnh chống biến đổi khí hậu, nhất là chống sạt, lún, xâm nhập mặn, triều cường; bảo vệ nguồn nước, nguồn lợi thủy sản.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các điểm mới nổi bật của quy hoạch ĐBSCL. Đó là cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và các định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới, định hình các giá trị mới cho ĐBSCL.
Quy hoạch xác định các đột phá mang tính chiến lược là tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, dựa trên ba trụ cột: kinh tế – xã hội – môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm. Phát triển thủy sản – trái cây – lúa gạo. Chuyển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị; tập trung nguồn lực đầu tư các hành lang phát triển, khu vực phát triển động lực, trung tâm đầu mối nông nghiệp được xác định trong quy hoạch. Phát triển các tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ. Phát triển tuyến đường bộ ven biển từ Tiền Giang đến Kiên Giang, gắn với kiểm soát xâm nhập mặn, hình thành hành lang kinh tế mở, hướng ra biển. Đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Đầu tư phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền – sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải…
Chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị cao, hiệu quả cao, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển các trung tâm đầu mối, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, công nghệ cao, đảm bảo ATTP. Phát triển khu vực đô thị – công nghiệp động lực, trong đó tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, hệ thống logistics, hạ tầng kỹ thuật của khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các công trình nguồn và lưới điện, phát huy có hiệu quả tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo.
Sáu Nghệ