“Doanh nghiệp thủy sản có thể tận dụng tốt hơn thị trường trong nước để tiêu thụ sản phẩm, bằng cách tận dụng triệt để hệ thống phân phối nội địa của Việt Nam” – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ý kiến trong một cuộc hội thảo.
Cơ hội rộng mở
Theo bà Lê Việt Nga, phó vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), mỗi năm có 400.000 tấn sản phẩm thủy sản chất lượng cao với nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú được tiêu thụ thông qua các hệ thống phân phối trong nước; với nhiều chương trình vận động, thời gian tới, con số này có lẽ còn cao hơn nữa.
Cùng chia sẻ ý kiến này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Sài Gòn Food, nhấn mạnh với hệ thống siêu thị phát triển mạnh, các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đẩy mạnh sản xuất hàng thủy sản đông lạnh phân phối qua siêu thị. Hiện nay, hàng thủy sản đông lạnh sơ chế chiếm 60% thực phẩm chế biến đông lạnh tại siêu thị, trong đó tỷ lệ thủy sản tinh chế ngày một tăng cao.
Theo ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến, bảo quản thủy sản, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, năm 2013, giá trị sản phẩm thủy sản nội địa chỉ khoảng 8.400 tỷ đồng; năm 2014 đã lên 13.000 tỷ đồng; dự kiến năm nay 15.000 tỷ đồng.
Nhiều mặt hàng thủy sản được ưa chuộng tại siêu thị nội địa – Ảnh: CTV
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP cho rằng, trước nhu cầu tiêu thụ thủy sản chế biến sẵn trong nước ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp đã có các chiến dịch tiếp cận thị trường nội địa với nhiều phân khúc sản phẩm tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Đầu năm vừa qua, câu lạc bộ “Doanh nghiệp cung cấp hàng thủy sản cho thị trường nội địa” được thành lập với 26 thành viên. Đây là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp có hàng thủy sản cung cấp cho thị trường nội địa nhằm phối hợp, liên kết hoạt động, cùng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng nội địa, với các sản phẩm đa dạngtừ tươi sống đến những mặt hàng chế biến, hàng giá trị gia tăng.
Tháo gỡ về phí
Ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, cho rằng thị trường nội địa với mức tiêu thụ thủy sản gần 30 kg/người/năm nhưng doanh nghiệp thủy sản chưa quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp đã quen việc xuất khẩu nên khi quay lại thị trường nội địa sẽ gặpnhiều khó khăn; trong đó, gian nan nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng hàng thủy sản tươi sống của người dân.
Mặt khác, vấn đề chiết khấu của các siêu thị hay hệ thống bán lẻ cũng khiến doanh nghiệp đau đầu. Bà Lê Thị Thanh Lâm chia sẻ, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong việc phát triển phân phối sản phẩm tại thị trường trong nước là mức chiết khấu cho các hệ thống siêu thị rất cao. Đối với các siêu thị trong nước, mức chiết khấu khoảng 10%, nhưng với các siêu thị nước ngoài phải 10% trở lên, thậm chí 20% doanh thu. Chưa kể, hằng năm các siêu thị lại đều đặn tăng mức chiết khấu, ít là 2 – 3%, nhiều là 5 – 15% so với năm trước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải “hỗ trợ” nhiều khoản, như: hoạt động thường niên của siêu thị hay siêu thị tổ chức đợt khuyến mãi hoặc mở các điểm bán hàng mới… Do vậy, để đáp ứng được yêu cầu của siêu thị trong khi vẫn phải đảm bảo có lãi, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đã giảm chất lượng sản phẩm, bằng cách tăng tỷ lệ mạ băng, ngâm tăng trọng… Nên hầu như chất lượng sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa đa phần đứng sau tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhưng nghịch lý là giá sản phẩm bán trong nước thường cao hơn xuất khẩu.Chẳng hạn, cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu 56.000 – 60.000 đồng/kg, nhưng cá tra cắt khúc đông lạnh bán trong nước 70.000 – 80.000 đồng/kg, fillet 90.000 đồng/kg. Điều này các doanh nghiệp thủy sản phải xem xét lại, nếu thực sự muốn có chỗ đứng rộng tại thị trường nội địa.
>> Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa để giảm phụ thuộc thị trường xuất khẩu. Đồng thời góp phần làm giảm sự bấp bênh của sản phẩm, giá cả nông sản. Hơn nữa, việc bỏ ngỏ thị trường nội địa quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp phát triển thiếu bền vững. |