Ngày 02/4/2018, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi Công văn số 58/2018/CV-VASEP tới Bộ NN&PTNT kiến nghị các nội dung vướng mắc tại Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT.
Ngày 31/3/2018, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BNNPTNT (TT02/2018) sửa đổi, bổ sung Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT; Thông tư 25/2013/TT-BNNPTNT; Thông tư 02/2006/TT-BTS ; Thông tư 62/2008/TT-BNN VÀ Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT.
TT02/2018 có hiệu lực kể từ ngày 17/3/2018. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các nội dung của TT02/2018, đánh giá điều kiện thực tế tại địa phương và kết quả cuộc họp CLB Cá ngừ VASEP ngày 16/3/2018, VASEP và các DN hải sản nhận thấy có một số quy định bất cập, vướng mắc không phù hợp thực tế và khó khăn cho hoạt động bình thường của DN.
Cảng cá và ngư dân chưa sẵn sàng
Trước khi TT02/2018 có hiệu lực, ngay khi thông tư này đã có hiệu lực và cho đến thời điểm cuối tháng 3/2018 thì vẫn xảy ra một số thực trạng như: Nhiều BQL cảng cá chưa sẵn sàng và chưa thể vào cuộc để thực hiện công tác xác nhận theo quy định tại TT02/2018 với nhiều lý do khác nhau: chưa nắm rõ cách làm; chưa được phổ biến; thiếu các trang thiết bị cần thiết (cân, máy vi tính, máy photocopy…).
Nhiều ngư dân vẫn không hợp tác trong vấn đề ghi chép và cung cấp nhật ký khai thác – làm cơ sở cho việc xác nhận nguyên liệu; cũng có những trường hợp được cho là không được phổ biến, chưa nắm rõ các biểu mẫu và chưa biết cách điền biểu mẫu.
Tình trạng trên đã tạo ra những khó khăn và áp lực rất lớn cho các DN xuất khẩu, gây cản trở và tốn rất nhiều thời gian, công sức vì cần phải có các “giấy tờ” cần thiết để phục vụ cho XK sau đó, nhất là bối thẻ vàng của EU.
Do đó, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, cần có sự quyết liệt trong chỉ đạo hành chính hoặc phối hợp chỉ đạo hành chính với các tỉnh để các quy định của pháp luật được nghiêm túc thực thi đầy đủ tại mọi công đoạn & thành phần của chuỗi sản xuất, không gây khó khăn và cản trở các hoạt động sản xuất bình thường của ngành và của các thành phần kinh tế khác.
Địa phương thiếu nhân lực, trang thiết bị
Tổ chức quản lý cảng cá được giao nhiệm vụ cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên, hiện tại, một số Cảng cá tại một số địa phương không có đủ nhân lực cũng như trang thiết bị hỗ trợ nên việc thực hiện công tác quản lý theo TT02/2018 của Cảng đang khó khăn khi thực hiện.
Trong khi đó, một số tỉnh, địa phương hiện không có cảng cá và tổ chức quản lý cảng cá. Các ngư dân thường lên cá tại các cảng cá tự phát của chủ vựa (như tại Tam Quan, Bình Định). Và có những trường hợp có cảng cá nhưng ngư dân không thể cập cảng do thời tiết, địa lý…, mà lại lên cá tại các vựa cá của tư nhân (như cảng Đông tác, Phú Yên). Do đó, rất khó cho việc thực hiện được “các giấy tờ” và “quy trình” cần thiết liên quan đến đăng ký nguồn gốc, số lượng nguyên liệu, xác nhận nguyên liệu khai thác.
VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh để có chỉ đạo và hỗ trợ cho các Cảng cá (nguồn lực, trang thiết bị, cơ chế …..) phục vụ cho thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản. Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể về việc đăng ký, kiểm tra, xác nhận nguyên liệu tại các khu vực địa phương hoặc không có cảng cá hoặc không có BQL cảng cá.
Ngoài ra, VASEP cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT có chế tài để ngư dân buộc phải nộp nhật ký khai thác khi bán hàng cho DN hoặc cho nậu, vựa, đại lý. Tổng cục Thủy sản chủ trì và cập nhật thông tin đầy đủ các tàu vi phạm khai thác IUU để DN cập nhật, tránh rủi ro cho cả hệ thống.
Theo Thông tư 230/2016/TT-BTC qui định mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu là 700.000 đồng/lần là rất cao và chưa phù hợp với một số công việc tương tự, chưa phù hợp với nguyên tắc “thu bù chi” của Luật Phí, Lệ phí 2015 do các chi phí phát sinh ở thực tế là không đáng kể. Do đó, VASEP để nghị giảm xuống còn 200.000 đồng/lần…