Mùa lũ năm nay diễn biến khá bất thường nên những người chuyên sống nhờ con cá, con tôm gặp rất nhiều khó khăn. Đối với họ, lũ nhỏ đồng nghĩa với việc thu nhập cũng sẽ ít đi theo con nước.
Ngồi trầm mặc trên xuồng, ông Trần Văn Chọt, ngư dân xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên), thở dài: “Nước phân đồng rồi mà không thấy cá mắm gì hết. Mọi năm, thời điểm này cá đã có nhiều, ngày nào cũng kiếm được vài chục ký mang ra chợ. Sau khi trang trải chi phí trong nhà, cũng có dư chút đỉnh để tính chuyện mần ăn mấy tháng nước rút. Bây giờ thất thu nên tui thấy lo lắm, tới nước rút chẳng biết làm sao”.
Gương mặt sạm đen vì nắng gió của ông Chọt nhăn lại bởi ánh nắng phản chiếu qua mặt nước rọi thẳng vào đôi mắt đã mờ theo thời gian. Đã hơn 50 mùa nước nổi, ông gắn bó cùng nghề câu lưới và ông biết rằng sản vật mùa lũ bây giờ chẳng được như xưa.
Theo lời kể của ông, cánh đồng dọc tuyến kênh Tha La ngày trước cá về rất nhiều. Khi nước ngoài sông chuyển màu đục của phù sa, ông lại cùng gia đình rục rịch chuẩn bị mấy chục tay lưới để mưu sinh. “Hồi trước cá dữ lắm, người ta ăn không hết nên ủ mắm ăn suốt năm. Bây giờ con cá, con tôm đã hiếm hoi, mà gặp nước nhỏ như năm nay là dân câu lưới khổ lắm” – ông Chọt tâm tình.
Theo ông, nước tại các cánh đồng đã chựng lại và có xu hướng thấp xuống. Với diễn biến kỳ lạ của mùa lũ năm nay, không ít người dân sống nhờ câu lưới đã bị “sộ”. “Thấy nước năm nay lên sớm mà mực nước cũng cao nên anh em trong nghề cứ nghĩ là lũ lớn. Vì vậy, tôi đã đóng cái xuồng mới, mua thêm lưới, tưởng đâu có lời chút đỉnh nhưng kiểu này chắc chỉ mong huề vốn thôi” – ông Chọt thiệt tình.
Thời điểm hiện tại, ông Chọt kiếm được mỗi ngày trên chục ký cá đủ loại, nhiều nhất là cá heo nước ngọt, cá linh… kiếm trên 200.000 đồng/ngày. Mùa lũ năm trước ông thu nhập gấp 2 – 3 lần hiện nay. Câu lưới vốn được xem là “nghề bà cậu” nhưng với mực nước nhỏ như hiện tại, ông Chọt và những anh em cùng nghề lắc đầu ngao ngán. “Mỗi năm, chúng tôi chỉ chờ có mấy tháng này là có đồng ra, đồng vô kha khá. Mùa khô thì làm mướn kiếm sống, chứ đâu có nghề nghiệp ổn định. Bởi vậy, thu nhập từ mùa nước thường dành tiêu xài đến mấy tháng sau” – ông Chọt phân trần.
Ngược lên vùng đầu nguồn biên giới Vĩnh Hội Đông (An Phú), tình hình cũng không khả quan hơn. Dù đã đấu thầu thành công việc đóng đáy cá linh tại gian nhất ngay ngã ba sông Vĩnh Hội Đông nhưng anh Lê Văn Cứng vẫn phải “chịu thua” vì lượng cá không như mong muốn.
“Năm nay, cá chạy yếu quá, chưa bằng một nửa năm rồi. Tính ra, anh em tui đã đầu tư rất nhiều vốn vào việc đóng đáy cá linh nhưng tình hình này chắc phải thua lỗ. Đã có thời điểm tui cho mấy anh em phụ việc nghỉ vì cá không chạy. Mấy ngày gần đây, cá đã nhiều hơn chút ít nhưng vẫn chưa như mong đợi” – anh Cứng than thở.
Theo kinh nghiệm của anh Cứng, mọi năm đây là thời điểm lượng thủy sản dồi dào. Tuy nhiên, với sản lượng cá như hiện nay, có thể người dân sống nhờ câu lưới chẳng kiếm được bao nhiêu. Ngay cả con cá linh, loại cá vốn nổi tiếng bởi số lượng nhiều vô kể, cũng không đáp ứng kỳ vọng của người dân vùng lũ. Hiện nay, anh Cứng vẫn cố gắng khai thác cá từ 2 chiếc đáy với mong muốn hoàn lại số vốn đã bỏ ra vào thời điểm đầu mùa.
Chợ biên giới Khánh An (An Phú) – vốn được xem là điểm tập kết cá đồng, cũng không cho thấy sự sôi động của các mặt hàng này trong mùa lũ. “Mấy năm nước lớn, cá về thấy ham lắm. Người mua, kẻ bán rôm rả cả bến sông. Cá được đựng trong cần xé đổ ra từng đống nhìn mê cả mắt. Trời còn nhá nhem tối đã nghe tiếng bạn hàng từ các nơi về cân cá. Năm nay, chuyện mua bán không tấp nập như năm rồi” – bà Trần Thị Tươi, một tiểu thương tại chợ, cho biết.
Theo kinh nghiệm dân gian, mùa lũ năm nay vẫn còn “con nước tháng mười” với hy vọng cá sẽ về nhiều hơn, đó là cơ hội để dân câu lưới tăng thêm thu nhập vào cuối mùa lũ.
Lũ vẫn về với đồng bằng châu thổ, vẫn mang theo những sản vật nuôi sống người dân miền sông nước. Tuy nhiên, lũ đã không còn hào phóng như xưa…