(TSVN) – Semi-Biofloc là công nghệ nuôi giúp tôm nuôi mau lớn, kiểm soát được dịch bệnh, sản phẩm đảm bảo ATTP. Tuy nhiên, khi áp dụng công nghệ cũng cần có những lưu ý kỹ thuật để đạt hiệu quả tốt nhất cho vụ nuôi.
Thực hiện tuân thủ quy trình kỹ thuật: Thiết kế hạ tầng ao nuôi, từ ao lắng, ao dèo, ao nuôi và ao chứa chất thải. Xử lý môi trường ao nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, duy trì floc trong suốt quá trình nuôi; kiểm soát chặt chẽ thức ăn theo từng giai đoạn, nhất là giai đoạn vèo tôm đảm bảo được mật độ của floc (những tế bào vi khuẩn có lợi kết dính tạo thành khối lơ lửng trong môi trường nước), thức ăn để đảm bảo tăng cường sức đề kháng và đạt tỷ lệ đầu con cao nhất cho tôm trước khi chuyển sang giai đoạn 2 (ao nuôi).
Cho tôm ăn đều đặn: Thức ăn + và các sản phẩm bổ sung ngày 1 đến 2 lần vào bữa ăn chính, định kỳ 7 – 10 ngày/lần, sử dụng vi sinh để bảo vệ môi trường ao nuôi, cung cấp thêm carbon từ nguồn mật rỉ đường để duy trì Biofloc phát triển. Các chất độc hại NO2–, NH3, H2S… sẽ được xử lý triệt để dưới tác dụng kép của vi tảo và hệ thống biofloc làm môi trường trong sạch, các chỉ tiêu: pH, ôxy hòa tan… luôn nằm trong ngưỡng phù hợp làm tôm khỏe mạnh, thích hợp cho sự phát triển của tôm.
Ảnh: Báo Bình Định
Nếu tôm bị đen mang do NO2– trong nước, không nên sử dụng hóa chất để xử lý, thay vào đó hãy bổ sung các sản phẩm có thành phần chính: Vi khuẩn cố định đạm Nitrosomonas, vi khuẩn Nitơ hóa Nitrobacter, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Nếu có khí độc H2S: Dùng bổ sung các sản phẩm có thành phần chính như vi khuẩn quang hợp, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Sau đó, lặp lại quy trình sử dụng men vi sinh E.M, dùng vi khuẩn có lợi để ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tôm, làm sạch môi trường để nuôi tôm bền vững.
Trường hợp biofloc trong ao giảm, nước có màu nâu đỏ có thể cải thiện bằng cách bón vôi CaCO3 hàng ngày liên tục 5 – 6 ngày, liều lượng 20 kg/1.000 m3. Ngoài ra, trường hợp biofloc giảm, nước có màu xanh lá cây có thể xử lý bằng cách cắt tảo lam hoặc tảo lục.
Trường hợp biofloc nổi bọt do vi khuẩn dạng sợi phát triển mạnh. Dùng CaO2 để xử lý với liều lượng 10 kg/1.000 m3, sau đó thay nước 5 – 6 ngày. Nếu sau 6 ngày vẫn còn hiện tượng nổi bọt trong ao thì tiếp tục bón CaO2 với liều lượng 10 kg/1.000 m3, lặp lại quy trình. Loại bớt biofloc bằng cách thay nước trong trường hợp biofloc trong ao quá dày.
Đối với các vùng nuôi rất khó nâng độ kiềm, nếu độ kiềm giảm, bón hỗn hợp Soda + Dolomite, liều lượng 1 kg Soda + 3 kg Dolomite/1.000 m3 đến 4 kg Soda + 6 kg Dolomite/1.000 m3, bón từ từ cho đến khi độ kiềm tăng, pH tăng phù hợp, tôm cứng vỏ, khỏe mạnh, hoạt động bình thường.
Thực hiện quy trình nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc phù hợp điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay. Nếu người nuôi tôm thực hiện đúng, đều đặn, đầy đủ các yêu cầu của quy trình, thực hiện tốt quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, chọn giống sạch, thời tiết thuận lợi thì áp dụng công nghệ này chắc chắn sẽ làm môi trường toàn vùng nuôi trong sạch, giúp phát triển nghề nuôi tôm bền vững, hiệu quả trên từng ao nuôi, trên toàn vùng nuôi.
Hoàng Yến