Gần đây, nhờ sự nỗ lực nghiên cứu để cải tiến máy thu lưới thủy lực đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho ngư dân trên các tàu khai thác hải sản như giúp giảm thời gian thu thả lưới, giảm số lao động trực tiếp tham gia, tăng thu nhập cho người lao động.
Cấu tạo
Hệ thống tời thủy lực có cấu tạo gồm: 1: Động cơ lai, 2: Bộ ly hợp, 3: Bơm dầu, 4: Két dầu, 5: Sinh hàn, 6: Van điều chỉnh, 7: Đường dầu đi, 8: Đường dầu về, 9: Đường dầu hồi, 10: Con lăn dẫn hướng chính, 11: Con lăn dẫn hướng phụ 12: Tang tời, 13: Con lăn, 14: Mâm tời, 15: Đế tời, 16: Động cơ thủy lực hình sao.
Các thông số cơ bản của tời thủy lực: Lực kéo định mức của tời: Pdm = 1.000 kg; Tốc độ thu lưới trung bình: Vtb = 0,42 m/s. Động cơ thủy lực là loại động cơ thủy lực hình sao; Áp suất làm việc: p = 100 at; Lưu lượng trung bình: Qđc = 105,504 lít/phút.
Sử dụng máy thu lưới thủy lực giúp tăng thu nhập cho ngư dân – Ảnh: CTV
Nguyên lý hoạt động
Nguyên lý hoạt động của máy thu lưới thủy lực được thể hiện qua sơ đồ cấu tạo (hình bên). Động cơ 1 lai bơm thủy lực 2 thông qua bộ ly hợp 3. Dầu thủy lực từ thùng chứa dầu 4 được bơm thủy lực 2 đẩy đi qua đường ống dẫn dầu đi 7. Dầu thủy lực đi qua van điều khiển 6, qua đường ống dẫn dầu 7 đến động cơ thủy lực hình sao 16.
Động cơ thủy lực 16 liên kết với tang tời 12 qua bộ truyền bánh răng trụ lắp trên tời. Tang tời 12 hoạt động thông qua bộ truyền bánh răng trụ trên tời. Toàn bộ dây giềng phụ của vàng lưới rê được thu qua tang tời 12 và các con lăn kẹp và con lăn dẫn hướng. Dầu thủy lực hồi về qua động cơ thủy lực 16, qua đường ống dẫn dầu về 8, qua van điều khiển 6, qua đường ống dẫn dầu hồi 9, qua thiết bị sinh hàn 5 và hồi về thùng chứa dầu 4. Van điều khiển 6 là van đặc chủng loại 4 cửa 3 vị trí, đảm bảo khả năng thay đổi tốc độ từ thấp đến cao theo tính toán và đảo chiều quay của tang tời 12, đảm bảo toàn bộ dây giềng phụ của vàng lưới rê được thu qua tang tời thuận lợi và an toàn.
Quy trình kỹ thuật khai thác
Quy trình bao gồm: Chuẩn bị chuyến biển – Hành trình ra ngư trường – Xác định vị trí thả lưới – Thả lưới – Ngâm lưới – Thu lưới lấy sản phẩm và bảo quản – Chuẩn bị mẻ sau.
Bước 1: Trước khi vận hành máy thu lưới, cần kiểm tra lại dầu, động cơ điện, khớp nối và các van điều chỉnh đã được đặt ở vị làm việc hay chưa. Sau đó, tiến hành cấp điện cho động cơ dẫn động điện.
Bước 2: Khi đến thời điểm thả lưới, thuyền trưởng xem xét xác định hướng nước, hướng gió để quyết định hướng thả lưới. Khi thả lưới tàu cho chạy lùi với tốc độ thả lưới từ 3,5 – 4,5 hải lý/giờ tùy thuộc vào điều kiện sóng gió, nước. Hướng thả chếch với hướng nước một góc 300 – 450. Khi thuyền trưởng ra lệnh thả lưới thì thủy thủ số 6 thả cờ và phao ganh xuống biển. Khi thả dây cờ gần hết thì thủy thủ số 1 và số 3 thả đầu phao, dây giềng phụ và đầu chì lưới xuống biển. Trong quá trình thả lưới, thủy số 4 và số 5 chuyển dần lưới ở giữa tàu ra gần mạn trái để thủy thủ số 2 chuyển từng phần chì của cheo lưới lên mạn tàu để lưới tháo ra. Thủy thủ số 5 có nhiệm vụ xử lý các tình huống lưới móc vào nhau. Thủy thủ số 2 có nhiệm vụ xử lý khi dây giềng phụ bị vướng vào nhau hoặc vướng vào phao lưới. Khi thả được 30 cheo lưới thì thả thêm một cờ lưới.
Bước 3: Tùy thuộc vào thời điểm khai thác mà thuyền trưởng quyết định thời gian ngâm lưới. Trong quá trình ngâm lưới, thuyền trưởng xem xét các tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời, tàu thường xuyên giữ phía đầu lưới nếu nếu phát hiện có tàu lưới kéo hoạt động gần vàng lưới thì cho tàu chạy vào giữa vàng lưới để quan sát nhằm đảm bảo an toàn cho vàng lưới. Thời gian ngâm lưới thường là từ 4 – 6h.
Bước 4: Trong quá trình vận hành phải điều chỉnh tốc độ thu lưới của máy phù hợp với việc sắp xếp lưới, gỡ cá của các thủy thủ khác tham gia trong quá trình thu lưới.
Bước 5: Khi chuẩn bị thu lưới thì thuyền trưởng khởi động động cơ truyền động cho tời thủy lực và cố định ở một mức ga hoạt động. Khi tời đã sẵn sàng làm việc thuyền trưởng điều khiển tàu chạy theo hướng của vàng lưới với tốc độ phù hợp để thủy thủ số 1 và số 2 thu dây giềng dắt. Dây giềng dắt được dẫn tới tang của tời thủy lực thông qua các con lăn dẫn hướng chính và phụ. Khi thu hết dây giềng dắt đến đầu lưới thủy thủ số 3 và số 4 bắt đầu thu lưới. Thủy thủ số 5 có nhiệm vụ xếp lưới và chuyển cá cho các thủy thủ số 6, 7, 8, 9, 10, gỡ cá. Thủy thủ số 1 tiếp tục điều khiển tời thu dây giềng phụ thông qua hoạt động của tời thủy lực. Nhiệm vụ của thủy thủ số 2 lúc này là sắp xếp dây giềng phụ xuống khoang theo thứ tự, gọn gàng, tránh làm rối dây. Thủy thủ số 1 ngoài việc điều khiển tời thủy lực còn phải xử lý các trường hợp khi dây liên kết giữa giềng phụ và giềng phao bị xoắn. Khi cá đóng ít thì điều khiển để tăng tốc độ thu dây giềng phụ, khi cá đóng nhiều thì sẽ giảm tốc độ thu để các thủy thủ khác gỡ cá hoặc dừng tời lại để các thao tác thực hiện khác phù hợp với tốc độ thu lưới. Quá trình thu lưới được thực hiện liên tục, lưới thu đến đâu thì gỡ cá đến đó. Khi cá được một lượng nhất định từ 20 – 30 kg, một thủy thủ đang gỡ cá sẽ chuyển sang phân loại, rửa sạch và đưa vào hầm bảo quản tạm thời.
Phải thường xuyên kiểm tra tình trạng dây giềng dắt, dây curoa nếu có dấu hiệu bị hư hỏng, bị mòn… cần có phương án khắc phục kịp thời. Sau khi sử dụng phải tiến hành vệ sinh thiết bị để tránh bụi bẩn và đất cát bám dính tại các tang tời và hệ thống máy.
>> Khi áp dụng máy thu lưới thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy đã giúp giảm 2 nhân công. Năng suất lao động theo sản lượng khai thác trung bình khoảng 15,5 kg/người/mẻ cao hơn so tàu không lắp máy thu lưới thủy lực khoảng 1,3 lần. Mức độ an toàn cho người lao động khi sử dụng tời thủy lực cao hơn so tời cơ ma sát. |
Hoàng Yến (Tổng hợp)