T2, 06/07/2020 12:01

“MI CÀO, TAU KHÓC…!”

Chưa có đánh giá về bài viết

Tàu đánh bắt vùng khơi thì vào vùng lộng, tàu đánh bắt vùng lộng thì bị tàu khơi kéo, cào sạch lưới. Tình trạng “người cào người khóc” lâu nay tại xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị khiến ngư dân địa phương bất bình.


Vợ mếu, hỏi lưới đâu

Cứ vào vụ mùa, ngư dân vùng bãi ngang thôn Hà Lợi Thượng (xã Gio Hải), lại lo ngay ngáy bởi nỗi chiều ra khơi bung lưới, sáng ra kéo không thấy đâu. Thôn có 70 thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ và 10 tàu lớn đánh bắt xa bờ. Những con thuyền gần bờ lâu nay cứ luẩn quẩn với điệp khúc đánh lưới rồi bị cuốn mất. Thực tế này ảnh hưởng đến cuộc sống người dân làng chài 140 hộ, 900 nhân khẩu.

Cách đây vài tháng, ông Trần Văn Sắt cùng các ngư dân trong thôn đưa thuyền đi đánh lưới. Thuyền nhỏ, lưới ngắn, họ chỉ quăng lưới cách bờ 4 – 5 hải lý. Nghề lưới ghẹ và lưới mực đánh bắt quanh quẩn gần bờ nhưng cũng mang lại cuộc sống đắp đủ qua ngày. Sáng hôm sau, chiếc thuyền nhỏ của anh Sắt ra biển kéo lưới. Cách đó vài hải lý, thuyền các ngư dân Bùi Đình Tí, Hoàng Văn Luyến cũng đánh lưới cùng khu vực. Mò mẫm mãi chả thấy gì, họ nhìn sang thuyền nhau và than “mất hết của cải rồi”. Tổng cộng 3 thuyền mất khoảng 120 tấm lưới, giá bình quân 300.000 đồng/tấm.

ngư dân trần văn sắt mất lưới

Ngư dân Trần Văn Sắt than chuyện mất lưới

Tin mất lưới lan nhanh khắp xóm chài. Những khuôn mặt đỏ bừng vì tức giận, những nhận định nghi ngờ thủ phạm, những lời hăm dọa “nhổ cỏ” cứ thế râm ran. Vài ngư dân buông lời bóng gió về việc “sử dụng chất nổ để đánh mấy thằng tàu đánh lưới giã vào sát bờ”. Khi không khí nguội xuống, ông Nguyễn Đức Dũng – tổ trưởng tổ tự quản, lại phải vác loa đi rao. Cả làng chộn rộn vì tiếng “A lô, bà con mình bình tĩnh, không được làm chuyện vi phạm pháp luật. Việc đó có nhà nước lo…”.

Xóm chài lặng sóng trở lại. Ngư dân ngồi vòng tròn bàn giải pháp bảo vệ lưới, không để tiếp tục bị tàu giã cào cuốn mất. Giải pháp mới được đặt ra: Gắn tín hiệu cho lưới. Lưới được gắn 8 cờ hiệu để báo cho tàu giã cào. Ngư dân còn gắn thêm 8 đèn chớp tín hiệu để tàu hành trình ban đêm biết đường mà tránh. Nhưng rồi, mặc cho cờ vẫy, đèn chớp, các vụ cào lưới vẫn tiếp diễn.

 

Kiểm ngư hô, ngư dân chạy

Ông Nguyễn Đức Dũng cho biết, thỉnh thoảng gặp tàu làm nghề giã cào hành nghề ban ngày và đi cách bờ khoảng 11 hải lý. Có đợt tàu giã cào đánh cách bờ 2 – 3 hải lý. Gặp tàu giã cào, ông Dũng la to: “Né ra chứ, các anh cào sát vầy thì lưới chúng tui còn chi nữa”.

Ở khu phố 4, cách Hà Lợi Thượng không xa, là làng chài có 15 tàu chuyên nghề giã cào. Ngư dân Hà Lợi Thượng chưa lần nào chứng kiến tàu khu phố 4 cào kéo cả lưới; nhưng các vụ cào lưới thường xảy ra ban đêm nên nhiều người đổ dồn sự nghi ngờ cho làng chài khu phố 4.

Ông Trần Văn Hạnh, Bí thư chi bộ Hà Lợi Thượng cho biết, thu nhập bình quân của dân bãi ngang Hà Lợi Thượng 4 – 5 triệu đồng/người/tháng, nhưng thỉnh thoảng lại xảy ra cảnh chồng từ biển gọi vô báo tin buồn, vợ chạy ra bãi biển khóc. Năm 2014, 2/3 ngư dân trong làng bị cào mất lưới. Từ đầu năm 2015 đến nay, làng chài bị cuốn mất khoảng 400 tấm lưới.

tàu giã cào

Tàu giã cào đang hoạt động trên biển – Ảnh: Lê Văn Chương

Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; tàu 20 – 90 CV khai thác tại vùng lộng và vùng khơi; tàu dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác tại vùng biển ven bờ không được khai thác tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả. Thế nhưng những tàu giã cào vẫn bất chấp quy định đó, bất chấp sự cản trở của lực lượng kiểm ngư, cố tình khai thác gần bờ.

Theo Chi cục Bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản Quảng Trị, số tàu vi phạm quy định kể trên bị bắt giữ rất ít. Kiểm ngư tỉnh Quảng Trị cho biết, khi tàu xuất bến thì những người liên kết làm ăn với tàu giã cào trên biển lập tức thông báo để tàu né tránh, không vào gần bờ. Trong khi đó tàu kiểm ngư công suất nhỏ, lại là tàu cũ, vận hành chậm; khi tàu kiểm ngư áp sát tàu cá giã cào vi phạm thì tàu vi phạm tăng tốc bỏ chạy, hoặc các tàu này không chấp hành hiệu lệnh cập mạn kiểm tra, nên Kiểm ngư chỉ còn cách… xua đuổi.

>>  Ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản Quảng Trị, cho biết: Nhiều tàu cá làm nghề giã cào của ngư dân các tỉnh lân cận, nhất là tỉnh Quảng Ngãi, đã đánh bắt sai tuyến, gây thiệt hại cho ngư dân hành nghề gần bờ. Chi cục đã thường xuyên phân công tàu Kiểm ngư tuần tra trên biển để phát hiện, bắt giữ, nhưng không được bao nhiêu.

Lê Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!