T2, 06/07/2020 01:08

Miền Trung rạo rực mùa biển mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hai năm chịu tác động của sự cố ô nhiễm môi trường biển, cuộc sống của người dân các địa phương ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã hồi phục, hoạt động khai thác hải sản sôi động trở lại với những khoang thuyền đầy ắp cá. Niềm vui đã về với hàng vạn ngư dân, những người đang ngày giờ lao động trên biển, góp phần không nhỏ vào bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


    Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khảo sát tình hình khai thác ở các tỉnh miền Trung Ảnh: Trần Hưng

Đồng bộ, quyết liệt

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, sự cố môi trường biển xảy ra từ tháng 4/2016 tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Đây là sự việc hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại về môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản; ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh đời sống khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh nói trên. Ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển. Nhiều biện pháp khắc phục sự cố môi trường, khôi phục sản xuất và giúp ổn định đời sống người dân được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương chỉ đạo thực hiện, phối hợp thực hiện một cách quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời.

Về phía các địa phương, UBND các tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng thu gom, xử lý hải sản chết và tiêu hủy để hạn chế ô nhiễm môi trường, giám sát an toàn thực phẩm; phân bổ gạo hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp, đảm bảo không để nhân dân bị thiếu đói và tạm ứng ngân sách để hỗ trợ các gia đình, người lao động gặp khó khăn. Công tác kê khai, thẩm tra, xét duyệt, thẩm định đối tượng, nhu cầu kinh phí, tổ chức bồi thường hỗ trợ về cơ bản đã được các địa phương thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng thẩm quyền; danh sách các đối tượng bị thiệt hại được niêm yết công khai tại trụ sở/xóm, xã/phường/thị trấn để nhân dân kiểm tra, giám sát và đối chiếu. Chính vì vậy, công tác bồi thường được nhanh chóng triển khai và hoàn thiện, nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp ngư dân sớm ổn định cuộc sống trở lại.

Sau hơn 2 năm thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường biển, nhìn chung công tác hỗ trợ bồi thường thiệt hại cơ bản đã hoàn thành, công tác quản lý, giám sát môi trường được nâng cao. Môi trường biển đã an toàn; hải sản đã đảm bảo an toàn thực phẩm. Hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy hải sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi. hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các khu du lịch biển, bãi tắm của 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường; người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản.

Được mùa biển

Chính nhờ sự nỗ lực và phối hợp thực hiện có hiệu quả, đồng bộ từ trung ương, địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan, cuộc sống của người dân 4 tỉnh miền Trung đã phục hồi, ngư dân ra khơi đã thắng lớn. Minh chứng trong những tháng đầu năm 2018 này, tại nhiều vùng biển như Hà Tĩnh, Quảng Trị, ngư dân ra khơi đã “trúng đậm”, mang về giá trị kinh tế lớn. Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết, thị xã đã có 25/97 danh sách hộ dân của 3 xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh và Kỳ Lợi được tỉnh phê duyệt vay vốn để đóng tàu cá trên 90 CV, đặc biệt với các loại tàu vật liệu bằng vỏ gỗ và composite. Ngư dân địa phương có cơ hội sớm hiện thực hóa ước mơ được sở hữu những tàu đánh cá hiện đại, là giải pháp nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ.

Những tháng đầu năm 2018, tranh thủ những ngày thời tiết thuận lợi, ngư dân huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị đã tích cực bám biển, đánh bắt cho sản lượng và giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, trong tháng 3/2018, nhiều tàu làm nghề lưới vây, chụp mực, pha xúc, lưới rê hỗn hợp, lưới cước vùng bãi ngang đánh bắt cho sản lượng và giá trị kinh tế cao. Sản phẩm khai thác chủ yếu là cá thu, cá ngừ, cá cơm, cá bè, cá ngân và cá khoai… Điển hình, ngày 28/2/2018, ngư dân Võ Văn Thới ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khai thác hải sản cách đảo Cồn Cỏ 10 hải lý về phía Đông – Bắc được mẻ cá bè vàng hơn 11 tấn, thu về gần 900 triệu đồng. Trong những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2018, tổng thu của ông Võ Văn Thới hơn 1,2 tỷ đồng; tàu cá của ông Hồ Văn Thà (số hiệu QT 93636 TS) công suất 713 CV sau 3 chuyến biển thu 800 triệu đồng…

Môi trường là tất cả

Những ngày giữa tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi đời sống, tình hình sản xuất kinh doanh của bà con ngư dân tại cảng cá Cửa Việt cũng như các hộ kinh doanh tại bãi tắm Cửa Việt, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; thị trấn biển Thuận An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế. Tại đây, Thủ tướng rất phấn khởi trước những chuyến biến khai thác thuận lợi của các ngư dân với các mẻ cá đầy ắp khoang thuyền.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự cố môi trường biển vừa qua là sự cố lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam và trở nên phức tạp hơn khi vừa chưa có tiền lệ, vừa là cơ hội cho các thế lực phản động vin vào chống phá. Chính vì thế, ban đầu đã có những sự lúng túng không mong muốn từ nhiều cấp. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã cùng với các bộ ngành, chính quyền địa phương đã tìm ra hướng xử lý vừa có lợi cho nhân dân, vừa có lợi cho môi trường đầu tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có những giải pháp để đảm bảo môi trường về lâu dài, nghiên cứu, lắp đặt các hệ thống giám sát, quan trắc tại các thành phố lớn trên cơ sở công khai minh bạch để người dân theo dõi, đánh giá; Tiếp tục theo dõi quan trắc và giám sát môi trường các địa phương dọc bờ biển, chú trọng đảm bảo ATTP, làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân, đảm bảo trật tự an ninh xã hội.

Các bộ ngành có liên quan tiếp tục hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn vướng mắc, để hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho người dân… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, sau khi khắc phục sự cố này, sự phát triển của 4 tỉnh miền Trung sẽ vươn lên với trọng tâm là kinh tế biển.

>> Tính đến 10/5/2018, tổng kinh phí các tỉnh đã phê duyệt để chi trả hỗ trợ bồi thường thiệt hại là 6.516 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 1.748,1 tỷ đồng, Quảng Bình: 2.784,8 tỷ đồng, Quảng Trị: 1.053,5 tỷ đồng, Thừa Thiên – Huế: 972,8 tỷ đồng). Đến nay, công tác chi trả ở Hà Tĩnh đạt 98,5%, Quảng Bình 98,2%, Quảng Trị 98,8% và Thừa Thiên – Huế 100%.

Trần Lưu - Hưng Thơ - Thiên Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!