T2, 06/07/2020 01:02

“Mở biển” ngày xuân

Chưa có đánh giá về bài viết

Những ngày đầu xuân Mậu Tuất, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh tất bật chuẩn bị vươn khơi; một số phương tiện đã “hái lộc biển” trong những ngày đầu năm.


Một số chiếc tàu vỏ thép công suất lớn đã sẵn sàng vươn khơi. Ảnh: HOÀI NHI

Rộn ràng làng biển

Sáng mùng 5 tết, tại cảng cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên), khi sương vẫn còn giăng trên mặt biển đã thấy nhiều ngư dân tập trung trên các phương tiện khai thác hải sản có công suất lớn chuẩn bị lướt sóng ra khơi. Một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khẩn trương tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền. Còn dưới bến cá, những chiếc thuyền nhỏ liên tục cập bờ đầy ắp cá tôm khiến không khí miền biển rộn rã. Ngư dân Nguyễn Tiến (thôn An Lương, xã Duy Hải) cho biết, chiếc thuyền của ông chuyên làm nghề đánh bắt hải sản gần bờ. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùng 3 tết là ông khởi hành đi đánh bắt gần đảo Cù Lao Chàm. Năm nay thuyền ông đánh bắt chuyến biển đầu tiên được khoảng 30kg cá, ghẹ các loại. Hải sản đánh bắt được từ biển bãi ngang trong những ngày đầu năm rất tươi ngon và giá bán cũng cao gấp nhiều lần so với ngày thường nên đem lại nguồn thu nhập khá.

Hầu hết phương tiện theo nghề câu cá hố đều vươn khơi sau khi kết thúc 3 ngày tết. Ngư dân Nguyễn Thế Hải (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) – chủ tàu cá QNa-93507 có công suất 120CV chia sẻ, nghề câu cá hố đang được mùa lại được giá. Ra khơi ngày mùng 4 tết, tàu cá của anh Hải có 9 thuyền viên ở cùng địa phương. “Ngư trường khai thác cá hố của chúng tôi là phía ngoài vùng biển Cù Lao Chàm chừng 15 hải lý. Cá hố câu không khó nhưng phải luôn tay, luôn chân, lịa mắt và cần cù nữa thì mới thành công. Đầu năm cá hố say mồi lắm nên chúng tôi phải tranh thủ vươn khơi” – anh Nguyễn Hà, ngư dân đi bạn với anh Hải đã 10 năm qua, cho biết.

Có mặt ở phường Cửa Đại (TP.Hội An) – nơi có nhiều tàu cá theo nghề câu cá hố nhất và cũng là nơi tập kết bán cá hố của ngư dân trên địa bàn – chúng tôi nhận thấy một số thương lái và đầu nậu đến gặp gỡ các chủ tàu, chúc chuyến mở biển thành công và đặt hàng, thu mua cá hố khi cập bờ. “Chúng tôi ký kết mối làm ăn với đối tác Trung Quốc. Họ kỹ tính lắm, đã thỏa thuận là phải chắc chắn cung cấp đủ cá hố theo đơn hàng. Bởi vậy, chúng tôi luôn đặt trước để thu mua cá hố của ngư dân, qua đó đủ nguồn cung cấp cho đối tác Trung Quốc. Cá hố có giá đến 220 nghìn đồng/kg” – bà Phạm Thị Huệ Lan, một người thu mua cá hố lâu năm ở khối phố Phước Thịnh (phường Cửa Đại) cho biết.

Quan sát của chúng tôi ở huyện Núi Thành – địa phương có nghề cá lớn nhất tỉnh – nhiều tàu cá đã nhổ neo vươn khơi từ ngày mùng 4 tết. Đó là các phương tiện hành nghề lưới rê, lưới kéo, chụp mực, hầu hết đều khai thác hải sản ở tuyến lộng. Tương tự, ngư dân của huyện Thăng Bình cũng đã mở biển trong mấy ngày qua. “Ra khơi đầu năm để đón lộc biển. Đầu xuôi thì đuôi lọt nên chúng tôi chuẩn bị kỹ càng cho chuyến biển mở đầu của năm. Rất mong năm sản xuất mới trên biển thành công” – ngư dân Trần Công Tư (thôn Tân An, xã Bình Minh) – chủ tàu cá QNa-95636 có công suất 350CV theo nghề chụp mực nói.

Khát vọng vươn khơi

Đứng nhìn con tàu vỏ thép hoành tráng mang số hiệu QNa-92345TS, ngư dân Lê Tuyến ở thôn Tây Sơn Đông (Duy Hải, Duy Xuyên) cho hay, trước đây tàu của ông chỉ có công suất 45CV nên phải quanh quẩn gần bờ, sản lượng đánh bắt khá khiêm tốn. Với mong muốn vươn ra ngư trường Hoàng Sa, năm 2017 ông Tuyến quyết định đăng ký làm các thủ tục vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép theo chủ trương của Chính phủ. Con tàu có chiều dài 28m, rộng 7m, cao 3,2m, được lắp máy chính mới hoàn toàn, công suất máy 822CV cùng các thiết bị hiện đại với tổng kinh phí đầu tư hơn 18 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng NN&PTNT cho vay 90% giá trị con tàu. Ông Tuyến nói: “Vài ngày tới, chiếc tàu của tôi bắt đầu chuyến biển mở hàng, thẳng tiến ngư trường truyền thống Hoàng Sa. Dự kiến, mỗi chuyến vươn khơi kéo dài gần 1 tháng. Hy vọng năm nay khai thác hiệu quả, thuyền viên có thu nhập cao để tăng thêm động lực tiếp tục bám tàu, bám biển”.

Ngư dân Duy Xuyên sửa sang ngư lưới cụ trước khi “xông biển”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quốc Hai – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, mặc dù vui xuân đón tết nhưng những ngày qua ngư dân địa phương luôn bám tàu thuyền để sửa sang ngư lưới cụ và làm lễ xuất bến rất trang trọng, thể hiện ý chí đoàn kết đánh bắt, tương trợ nhau trên biển. Duy Hải hiện có 141 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 9.700CV, tăng gần 2.000CV so với thời điểm đầu năm 2017. Trong năm qua, tổng sản lượng hải sản ngư dân Duy Hải đánh bắt đạt 7.100 tấn các loại, tăng 1.105 tấn so với năm 2016, trong đó nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu chiếm khoảng 45%. Có được thành công này là nhờ bà con ngư dân mạnh dạn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, mua sắm máy móc, ngư lưới cụ hiện đại để sản xuất. Ông Hai chia sẻ thêm: “Hiện ngư dân khai thác xa bờ ở Duy Hải đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết cho chuyến xông biển đầu năm. Chỉ trong vài ngày tới, 47 chiếc tàu chủ lực hành nghề câu mực lá xuất khẩu cùng một số tàu làm nghề khác đồng loạt xuất bến, hướng ra các ngư trường truyền thống. Hy vọng năm 2018 thời tiết thuận lợi để ngư dân đánh bắt hiệu quả. Chúng tôi cũng mong Nhà nước tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư phương tiện vươn khơi”.

Ông Trần Châu Giang – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, địa phương hiện có 3 xã có thế mạnh phát triển ngành thủy sản gồm Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có gần 300 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 23.000CV, tăng 9.000CV so với đầu năm 2017. Đáng chú ý, Duy Xuyên hiện có 9 chiếc tàu vỏ thép đã hạ thủy, đưa vào khai thác. Ông Giang nói: “Để ngư dân yên tâm bám biển, thời gian qua các ngành liên quan ở huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận với những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn, thông báo kịp thời cho người dân biết các hồ sơ chưa đủ điều kiện vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời kiến nghị với ngành cấp trên quan tâm hoàn thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, khuyến khích ngư dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kiêm ngành, kiêm nghề nhằm phát huy hiệu quả hoạt động đánh bắt trên biển. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tìm kiếm thêm các thị trường mới, góp phần đảm bảo đầu ra ổn định cho các mặt hàng thủy sản…, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực này. Cùng với đó, địa phương phát huy vai trò của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá nhằm giúp đỡ ngư dân, qua đó góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hoài Nhi – Đăng Cao

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!