(Thủy sản Việt Nam) – Tại Hội nghị “Bàn công tác chỉ đạo quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng”, Tổng cục Thủy sản đã công bố “mở cửa” cho người nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) vùng ven biển ĐBSCL. Tuy nhiên, việc cho nuôi TTCT hay không? Nuôi theo hình thức nào? Điều kiện như thế nào là đủ tiêu chuẩn?… hiện đang được người nuôi tôm và các địa phương ở ĐBSCL rất quan tâm.
Những năm gần đây, các tỉnh ven biển ĐBSCL và Đông Nam bộ gặp khó khăn về thời tiết, nguồn tôm giống không chất lượng dẫn đến việc người nuôi tôm sú thiệt hại làm cho “con tôm ôm sổ đỏ”. Một số hộ nuôi đã “xé rào” nuôi thử nghiệm con TTCT và họ đã thành công.
Từ năm 2010 đến nay, do tình hình khan hiếm tôm nguyên liệu tại các nhà máy chế biến, các công ty và các hộ nuôi bắt đầu “đổ” nuôi TTCT thâm canh. Hiện, diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL có trên 500 ha nuôi theo nhiều hình thức thâm canh, quảng canh, luân canh… còn lại nuôi ngoài “tầm kiểm soát” chưa thống kê được. Việc nuôi TTCT lén lút trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú và thiếu kỹ thuật, không đầu tư trang thiết bị đến nơi đến chốn nên khi xảy ra dịch bệnh sẽ dẫn đến lây lan cộng đồng khó kiểm soát được.
Ông Nguyễn Văn Vượng – Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu
Bạc Liêu hiện có diện tích nuôi TTCT trên 150 ha, đấy là theo thống kê chính thức, còn những hộ nuôi lén lút chưa thống kê được. Việc hộ nuôi báo với ngành chức năng là nuôi tôm sú đến khi thu hoạch thì thu toàn là TTCT là có thật. Việc này cho thấy nhu cầu nuôi TTCT ở Bạc Liêu rất cao, nếu chúng ta không cho nuôi thì họ vẫn “xé rào” nuôi. Qua đây, chúng tôi mong nhận được những chia sẻ thực tế của các tỉnh trong khu vực và sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về việc phát triển TTCT trong thời gian tới, để có hướng đi phù hợp, tạo tiền đề phát triển bền vững nghề NTTS ở Bạc Liêu và các tỉnh ĐBSCL.
Bà Trần Huỳnh Nga – nguyên Phó giám đốc Sở Thủy sản Bến Tre
Bến Tre cũng quy hoạch vùng nuôi TTCT ở những vùng không nuôi tôm sú được. Quan điểm của người dân là nuôi TTCT cũng thận trọng, mật độ không quá 80 con/kg. Một số vùng nuôi ngoài quy hoạch thì phải đảm bảo điều kiện, kỹ thuật, vốn sản xuất, cơ sở hạ tầng mới cho nuôi. Tỉnh Bến Tre không có nuôi TTCT quảng canh. Ngành quản lý phải liên kết giữa vùng nuôi và các nhà máy để người nuôi có chỗ tiêu thụ…
Ông Nguyễn Văn Trung – Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau
Hiện nay, diện tích nuôi TTCT của Cà Mau là 105 ha. Việc quy định nuôi TTCT quy hoạch 2 vùng riêng biệt là bất hợp lý, tỉnh nên có quy hoạch lại cho người nuôi. Vì ở Cà Mau, người nuôi tôm sú luân canh với TTCT (1 vụ sú và 1 vụ thẻ) hiệu quả rất cao, chúng ta nên xem xét lại. Bộ NN&PTNT nên hỗ trợ Cà Mau vùng quy hoạch hợp lý cho người nuôi, bởi hiện Cà Mau không có cơ sở sản xuất TTCT, chỉ mua giống ở tỉnh ngoài vào, nên việc có nguồn tôm giống sạch bệnh cho Cà Mau cũng là nhu cầu bức xúc cho người nuôi.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng)
Việc quy hoạch nuôi TTCT từ năm 2004 đến nay đã quá dài. Nước ta thận trọng quá trong khi Thái Lan và Trung Quốc đã mở cửa cho nuôi. Những vùng nào nuôi tôm sú không được thì nên cho nuôi TTCT, ví dụ như huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Hiện nay, tôm sú chết nên thiếu nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó nuôi tôm sú chết thì nên cho nuôi TTCT. Đề nghị với Tổng cục phải rõ ràng, minh bạch. Quy định trại sản xuất giống TTCT dưới 500 triệu post thì mới cho mở trại, nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện của ngành chức năng. Việc giống TTCT nhập vào nước ta, cơ quan chức năng thực hiện không nghiêm nên để xảy ra tình trạng con giống kém chất lượng bán giá nào cũng có từ 10 – 70 đồng/con. Thực tế tôm thẻ rất dễ nuôi.
Tiến sĩ Bùi Quang Tề – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I
Theo quan điểm của tôi, TTCT chúng ta chỉ nuôi thâm canh, không nên nuôi quảng canh kết hợp với tôm sú. Vùng ĐBSCL cần “suy nghĩ lại” tại sao vùng nuôi tôm ở Quảng Ninh và khu vực ven biển miền Bắc cho nuôi TTCT mà người dân lại không nuôi, còn ở ĐBSL thì làm ngược lại. Trong khi đó tôm sú là thế mạnh của người nuôi tôm ở ĐBSCL?
TS Lý Thị Thanh Loan – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I
Ba vấn đề sinh vật ngoại lai, cạnh tranh môi trường sống, tạp giao (biến dị di truyền), và dịch bệnh… là nỗi lo lớn của người nuôi TTCT. Theo tôi, ĐBSCL thống nhất nên nuôi vùng ven biển, không nên nuôi nội đồng, không nuôi quảng canh để khi xảy ra dịch bệnh khó kiểm soát cho con tôm sú…
Ông Hồ Quốc Lực – Phó chủ tịchHiệp hội VASEP
Các tỉnh ĐBSCL báo cáo nuôi vài trăm ha tôm TTCT, riêng ở Sóc Trăng thì hàng ngày nhà máy nào cũng có TTCT để sản xuất. Thực tế cho thấy, diện tích nuôi TTCT ở ĐBSCL rất lớn so với các báo cáo không đầy đủ của các địa phương. Việc cấm hay không cấm nuôi TTCT?! Mấy năm trước thì sợ bệnh taura nên không sản xuất. Tại sao từ 2000 đến nay, Thái Lan và Trung Quốc không nghe thông tin bệnh này? Tại sao họ phòng chống được còn nước ta thì chưa nuôi đã sợ? Chúng ta có giải pháp gì đối với tình hình này? Nhà nước nên có kiểm soát, quản lý chặt chẽ, phải ra quy định, tiêu chuẩn chung cho hộ nuôi và nhà sản xuất giống. Đầu ra TTCT tăng nhẹ hàng năm. Hiện nay, cung ít hơn cầu thì con tôm thẻ vẫn bán được, nhưng “quy luật cung cầu” chúng ta nên thận trọng…
Ông Phạm Anh Tuấn (ảnh bên) – Phó Tổng cục trưởng thường trực Tổng cục Thủy sản: Nuôi TTCT vùng ven biển ĐBSCL phải đảm bảo các điều kiện là chỉ cho phép nuôi thâm canh (công nghiệp), không được nuôi ở vùng quảng canh, hộ nuôi phải đảm bảo đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng cấp thoát nước đầy đủ, không thải ra môi trường, tránh ảnh hưởng đến những hộ nuôi lân cận. Riêng đối với vùng nuôi quảng canh, cần tổng kết thực tiễn hiệu quả và rủi ro trong thời gian qua. Có nên luân canh hay không và cần làm lại việc nuôi thí nghiệm để năm sau tổng kết. Về trại sản xuất giống, cơ sở sản xuất giống phải đảm bảo nguồn gốc bố mẹ sạch bệnh, quy mô sản xuất phải thiết kế theo quy hoạch của ngành chức năng, con giống nhập về phải qua kiểm tra chặt chẽ của hệ thống quản lý thú y – thủy sản.
PHAN THANH
(Thực hiện)