Đó là mô hình nuôi lươn của ông Lê Bình Kim ở xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ông đã xây gần 70 bồn xi măng nuôi lươn không bùn để cung ứng cho thị trường sản phẩm lươn sạch. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Lãnh đạo tỉnh An Giang tham quan mô hình “nuôi lươn không bùn” của ông Kim.
Mỗi bồn xi măng diện tích khoảng 4m2, dưới đáy lót những tấm vỉ tre chồng lên nhau làm nơi trú ẩn cho lươn, ông Kim thả nuôi khoảng 800 lươn giống. Tất cả các bồn được thiết kế hệ thống thoát, xử lý nước.
Ông Kim cho biết: Lươn giống phải chọn mua từ giống tự nhiên (loại 40 con/kg) mang về xử lý qua nước muối loãng để diệt mầm bệnh, sau đó thả nuôi. Thế mạnh của mô hình này là có thể quan sát được sự phát triển hằng ngày của lươn, kịp thời phát hiện và xử lý nếu lươn bệnh (nuôi trong bùn đất sẽ không thấy được).
Mỗi ngày chỉ cần cho lươn ăn 1 lần, sau 2 giờ thì thay nước. Thức ăn của lươn là các loại phụ phẩm từ cá, ốc xay nhỏ trộn với cám. Lươn phát triển nhanh, hầu như không bị bệnh. Nuôi mô hình này cũng nhàn hơn, không tốn nhiều nhân công chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt rút ngắn thời gian nuôi nên tiết kiệm được chi phí thức ăn, nhân công…
Nếu so sánh giữa nuôi truyền thống và nuôi không bùn thì nuôi không bùn hiệu quả cao hơn nhiều lần. Mỗi lứa lươn nuôi chỉ mất từ 5 – 6 tháng (nuôi truyền thống từ 10 – 12 tháng), sau khi trừ chi phí, ông Kim thu lãi trên 100 triệu đồng.