(TSVN) – Năm 2021, ngành cá tra gặp nhiều thách thức khi ngay từ đầu năm đã có nhiều thời điểm nguồn cung nguyên liệu khó khăn, nhưng nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, diện tích, sản lượng nuôi trồng cá tra vẫn được đảm bảo.
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến “Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và kế hoạch triển khai năm 2022” do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 9/12 cho thấy, ngoài các thị trường hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, EU… xuất khẩu cá tra năm 2022 sang các thị trường nhỏ dự báo nhiều lạc quan.
Năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Giá cá tra nguyên liệu giảm, thấp, kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất. Đại dịch COVID-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình này, Bộ NN&PTNT đã kịp thời triển khai nhiều hành động thiết thực như: thành lập tổ công tác đặc biệt 970 để trực tiếp xử lý các vướng mắc nảy sinh trong sản xuất chưa có tiền lệ do phải áp dụng giãn cách xã hội; đồng thời, tổ chức các hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, tiêu thụ thủy sản và giải pháp phát triển ngành hàng cá tra.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt 4.830,6 ha (tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2020). Ước diện tích thả nuôi phát sinh trong năm 2021 đạt 5.000 ha (tăng 5,5% so năm 2020). So sánh kết quả thả nuôi trong tháng 11/2020 và 2021 cho thấy ngành hàng cá tra đã quay lại nhịp độ sản xuất bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Sản lượng cá tra thu hoạch 11 tháng đầu năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn (giảm 4,9% so cùng kỳ năm 2020); ước sản lượng thu hoạch cả năm 2021 đạt 1,5 triệu tấn. Trong các tháng 7, 8, 9/2021, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu đã bị ngừng trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, chuyển từ “Zero COVID” sang thích ứng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động sản xuất cá tra hồi phục nhanh chóng.
Hiện nay, các tỉnh như Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp là những vùng nuôi cá tra lớn nhất ở ĐBSCL, chiếm hơn 75% tổng sản lượng cá tra cả nước. Ngành cá tra tự kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu theo hướng sản xuất bền vững theo chuỗi. Như tại An Giang, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, An Giang đã xây dựng kế hoạch để chủ động sản xuất, kinh doanh để không thiếu hụt nguồn cung chế biến trong tháng cuối năm và năm 2022. Năm 2020, An Giang phấn đấu đạt sản lượng 440.000 tấn cá tra thương phẩm, sản lượng bột đạt 12 tỷ, cá tra giống đạt 1.956 triệu con. Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, để phục vụ cho mục tiêu sản xuất tháng cuối năm và chuẩn bị cho năm 2022, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển cá tra theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển thị trường cả trong và ngoài nước. Cùng đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm hơn, nắm bắt nhu cầu của các thị trường, định hướng phát triển nhằm đa dạng sản phẩm và chú trọng đến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Năm 2022, Đồng Tháp đặt mục tiêu diện tích thả nuôi cá tra đạt 2.150 ha (tăng 8,1% so năm 2021), sản lượng dự kiến khoảng 480.000 tấn (tăng 4%), sản lượng cá tra bột 24.000 triệu con (tăng 26,3%), sản lượng giống dự kiến khoảng 1.300 triệu con (tăng 18,1%)…
Số liệu thống kê của VASEP, 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cá tra đạt 1,4 tỷ USD, tăng 6,1% so cùng kỳ năm trước; giá trị tăng trưởng mạnh nhất là trong tháng 11, với kim ngạch đạt 227 triệu USD, tăng 57%. Trong đó, Mỹ là thị trường có sự tăng trưởng mạnh nhất, với nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá tra của Việt Nam tăng mạnh sau chiến dịch tiêm vaccine và gói phục hồi kinh tế, với trị giá chiếm tới 22% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Tháng 10/2021, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 42 triệu USD, tăng gần gấp 2 lần so tháng trước đó. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ không chỉ được mùa mà còn được giá, tới cuối tháng 10/2021, giá xuất khẩu cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng 0,55 – 0,58 USD/kg so tháng 6/2021. Bên cạnh đó, vai trò của các thị trường nhỏ khác sẽ ngày càng quan trọng, trong đó như Brazil, Mexico, Colombia, Anh khi có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực như Trung Quốc, EU. Dự báo của VASEP, xuất khẩu cá tra năm 2021 sẽ cán đích khoảng 1,54 tỷ USD, tăng nhẹ 3% so năm 2020 và năm 2022 sẽ phục hồi nhẹ với mức tăng khoảng 7% đạt 1,65 tỷ USD.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, năm 2022, ngành cá tra đang đặt kế hoạch đạt trên 5.200 ha diện tích thả nuôi phát sinh; sản lượng trên 1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD. Tổng cục đang đẩy mạnh chỉ đạo tổ chức sản xuất giống, vật tư đầu vào phục vụ nhu cầu thả nuôi trong tháng 12/2021 và các tháng đầu năm 2022; đẩy mạnh thả nuôi để đảm bảo nguyên liệu chế biến năm 2022. Với diện tích thả nuôi cá tra trong tháng 12/2021 ước 330 ha, cần khoảng 200 triệu con giống.
Năm 2022, dự báo thị trường cá tra tương đối lạc quan, tuy nhiên trong điều kiện dịch COVID-19 nên rất khó lường. Do vậy, để khắc phục khó khăn, sớm phục hồi ngành hàng cá tra trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản là cơ quan đầu mối về mặt chuyên môn, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị thuộc bộ cùng trao đổi các giải pháp để cùng thực hiện. Trong đó, Tổng cục cùng họp với các tỉnh xem xét vấn đề dự báo thị trường, không để tình trạng được mùa rớt giá; đồng thời vấn đề cơ cấu giống cần gắn liền với nuôi thương phẩm cho phù hợp. Các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm tra điều kiện tại các cơ sở giống, cá tra thương phẩm, tập huấn phổ biến thông tin, kiểm tra xử lý vi phạm… Đồng thời, đề nghị tiếp tục mở cửa thị trường đối với ngành hàng cá tra, đa dạng hóa sản phẩm, tiện lợi cho tiêu dùng; ngoài các thị trường xuất khẩu cũng cần chú ý tới thị trường trong nước; đẩy mạnh bán hàng theo hình thức thương mại điện tử…