(Thủy sản Việt Nam) – Nhắc đến con tôm ĐBSCL không thể không nhớ đến “mỏ tôm” Trà Vinh với các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và Châu Thành. Nhằm đưa ngành tôm phát triển bền vững, những năm qua tỉnh Trà Vinh đã hướng người nuôi tôm thực hiện nhiều mô hình hiệu quả, như quy trình GAP.
Quy trình nuôi tôm hiệu quả
Nhắc đến “mỏ tôm” Trà Vinh cần kể đến huyện Cầu Ngang. Năm 2010, Cầu Ngang có kế hoạch sản lượng 8.200 tấn tôm, đến cuối năm thu hoạch hơn 10.000 tấn. Tính đến giữa năm 2011, huyện đã thu hoạch gần 13.000 tấn tôm thương phẩm, tăng khoảng 3.000 tấn so cả vụ nuôi năm 2010.
Có được kết quả đó, lãnh đạo huyện Cầu Ngang nhận định, nông dân đã áp dụng quy trình nuôi tôm sú ít thay nước hoặc cấp nước bổ sung kết hợp sử dụng men vi sinh, chế phẩm sinh học… nhằm ổn định môi trường nước ao nuôi, không gây cho tôm bị sốc. Đây là quy trình được nhiều người nuôi tôm ở huyện Cầu Ngang ứng dụng đạt hiệu quả cao, năng suất từ 6 – 7 tấn/ha/vụ, thậm chí có vùng còn cao hơn. Bên cạnh đó, hệ thống thủy lợi của huyện đang quy hoạch theo hướng khép kín, cùng với các công trình thủy lợi trọng điểm hoàn thành thì kế hoạch chọn lịch thời vụ cho tôm sú những năm tiếp theo sẽ được chủ động tốt hơn và hiệu quả nuôi tôm sẽ bền vững hơn.
Từ nhiều năm nay, Trà Vinh vẫn được coi là “mỏ tôm” của ĐBSCL – Ảnh: Phan Thanh Cường
Nhằm phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, tháng 5/2011, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Trà Vinh đã triển khai mô hình Phát triển nuôi tôm sú theo quy trình GAP tại 2 huyện là Cầu Ngang và Duyên Hải với tổng quy mô 2 ha, có 4 hộ tham gia thực hiện. Sau 5 tháng nuôi, năng suất đạt 6 tấn/ha, trọng lượng tôm bình quân 36 g/con; hệ số thức ăn 1,4. Lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha. Trong tương lai, tỉnh sẽ nhân rộng mô hình này ra nhiều huyện trong địa bàn.
Khắc phục hiện trạng khó khăn
Vụ tôm năm nay các huyện nuôi tôm của tỉnh đều bị dịch bệnh, tôm chết trên diện rộng, người nuôi hoang mang.
Theo Sở NN&PTNT Trà Vinh, đến cuối tháng 5/2012, các huyện ven biển nuôi tôm của tỉnh như Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành thả nuôi 1,8 tỷ con tôm giống trên diện tích 23.133 ha. Hiện đã có gần 900 triệu con tôm giống của 8.115 hộ thả nuôi bị chết, với diện tích hơn 7.862 ha, ước tính thiệt hại kinh tế hơn 1.000 tỷ đồng. Tôm chết chủ yếu giai đoạn 15 đến 45 ngày tuổi. Nguyên nhân tôm chết do hội chứng gan tụy, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu.
Trước tình hình trên, ở một số xã, nông dân chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên ao tôm sú bị thiệt hại vừa qua. Tuy nhiên, người nuôi chuyển sang đối tượng tôm thẻ chân trắng sẽ gặp khó và bị động về con giống; sự hỗ trợ đầu tư từ phía ngân hàng…
Đối với các hộ thả lấp vụ tôm sú trở lại, cũng gặp khó khăn về vốn và con giống, cũng như tình hình thời tiết mưa nhiều tôm dễ sốc… Các cơ quan chức năng của tỉnh khuyến cáo người nuôi không nên ham rẻ mua tôm giống không rõ nguồn gốc. Người nuôi tôm cần có ao lắng xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi thông qua túi lọc nhằm hạn chế cá tạp vào ao nuôi; không sử dụng các loại thuốc diệt giáp xác có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý ao nuôi. Các hộ không đủ điều kiện thả nuôi lấp vụ nên cắt vụ hoặc chuyển sang nuôi các loài thủy sản khác, có khả năng thích nghi với điều kiện nước ở từng vùng, từng nơi và theo nhu cầu của thị trường.
>> Tổng sản lượng thủy sản các loại năm 2010 của tỉnh Trà Vinh đạt 157.260 tấn, tăng 63.134 tấn so với năm 2001. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 90.706 tấn, bao gồm, tôm các loại 32.300 tấn, trong đó tôm sú 19.000 tấn, cá các loại 60.000 tấn, cua biển 6.000 tấn.