T2, 06/07/2020 11:01

Mùa đặt lọp cua đồng

Chưa có đánh giá về bài viết

Bước vào mùa mưa, người dân ở xã biên giới Vĩnh Hội Đông của huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) tất bật sắm sửa ngư cụ để chuẩn bị đón con nước lũ về. Cùng với đó, hoạt động của xóm làm lọp cua ở ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh An cũng bắt đầu nhộn nhịp.

Nghề làm lọp đặt cua ở Vĩnh Hội Đông có từ hơn 20 năm trước, tuy vất vả nhưng nghề này mang lại cuộc sống ổn định cho ngư dân vùng đầu nguồn. Như một quy luật, vào mùa nước nổi, ban ngày ở ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An rất khó tìm được đàn ông, thanh niên trai tráng trong nhà, bởi ai cũng lo chuyện mưu sinh trên sông nước. Ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông cho biết: Toàn xã có trên 120 hộ dân làm lọp và đặt lọp cua quanh năm, tập trung nhiều nhất ở 2 ấp Vĩnh Hòa và Vĩnh An. Nghề này đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động địa phương.

Nghề đan lọp cua mang tính chất thời vụ, chỉ bận rộn vài tháng trong năm, nhưng cuộc sống của bà con khá ổn định, thậm chí có người còn sắm sửa đầy đủ phương tiện và đồ dùng thiết yếu trong gia đình. Ông Đinh Văn Đỏ cho biết: “Gia đình tôi theo nghề này trên 20 năm. Cứ vào mùa lũ, gia đình chỉ sống với cái lọp và con cua vậy mà cũng khỏe re! Đây là nghề cha truyền con nối. Trước đây, tôi được ông già chỉ dạy, làm riết rồi quen. Sau đó, tôi truyền lại cho mấy đứa con, bây giờ tụi nó cũng làm nghề đan lọp, đặt lọp”.

79pb10.jpg

Làm lọp cua đồng ở ấp Vĩnh An (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú).

Con cua đồng ở Vĩnh Hội Đông có quanh năm, do ngư dân thuê đồng phía Campuchia để đặt lọp. Ông Võ Thanh Vấn, người có hơn chục năm sống bằng nghề đặt lọp cua đồng ở ấp Vĩnh Hòa, cho biết: Từ nhiều năm nay, ông thuê đồng xã Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo (Campuchia) mỗi năm 12 triệu đồng để đặt cua. Lượng cua đặt nhiều nhất vào khoảng tháng 8 – 9 âm lịch do nước lũ về ngập đồng và cũng là mùa cua sinh trưởng, phát triển nhất. Theo ngư dân ở ấp Vĩnh Hòa, với 100 chiếc lọp cua mỗi ngày có thể đặt được từ 20- 30kg cua đồng. Ông Lê Văn Lên, người có thâm niên hàng chục năm làm nghề đặt cua đồng bên đất bạn Campuchia cho biết, mỗi ngày ông đặt khoảng 300 cái lọp ở đồng bạn thuộc tỉnh Tà Keo thu hoạch trên 50- 60kg cua đồng. “Hồi xưa chỉ cần 60- 70 cái lọp cua, đặt ở đồng nhà thôi, mỗi ngày kiếm 40-50 ký cua dễ như chơi. Bây giờ, nếu có xuồng máy, sang đồng bên Campuchia đặt thì nhiều. Còn ở đồng nhà phải đặt cỡ 200 cái mới mong kiếm được chừng đó” – ông Lên kể.

Khoảng 3 giờ khuya, không khí ở xóm đặt lọp cua nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng tát nước xuồng lạch phạch, tiếng nói cười chộn rộn cùng ánh đèn pin rọi giăng giăng. Dụng cụ thu hoạch cua được mang xuống cùng với cơm nước để dùng cho một ngày làm mới. Từ ngã ba sông Vĩnh Hội Đông lên đồng Pung Xăng, huyện Brây Chusa, tỉnh Tà Keo  chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển bằng xuồng máy. Ở Vĩnh Hội Đông, có khoảng 120 hộ dân làm nghề đặt lọp cua kiếm sống thì có gần 100 hộ dân thuê đồng Campuchia để làm ăn quanh năm. Còn lại, ngư dân đặt cua ở các đồng trong tỉnh, như Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên… Ông Võ Thanh Vấn cho biết: “Do đồng phía bạn trũng hơn nên có thể đặt cua quanh năm. Mình thuê mỗi năm 12 triệu đồng, sau đó người ta quy định “ranh giới” khu vực cho phép đặt cua. Vậy là mình chỉ làm ăn trong khu vực này thôi, nếu vượt ra ngoài thì họ phạt”.

4 giờ chiều cũng là lúc hàng chục chiếc xuồng đi bắt cua từ cánh đồng Campuchia trở về. Từng bao, từng thùng cua đồng được đem từ xuồng lên cân cho chủ vựa. Ở Vĩnh Hội Đông, điểm thu mua cua của ông Trần Văn Cứ lúc nào cũng nhộn nhịp. Ông Cứ cho biết: “Thấy dân mình đặt lọp cua ngon ăn, dân bên đó cũng bắt chước qua mình mua lọp về đặt, rồi chở cua sang bán cho mình luôn. Tại bến nhà tôi, mỗi buổi chiều có hơn 30 xuồng trong xóm và bên nước bạn Campuchia sang cân cua. Vào cao điểm tháng 9 – tháng 10, trung bình mỗi ngày tôi cân trên 3 tấn cua các loại. Cua đồng ngày càng ít nên giá cũng cao hơn, vì vậy mà thu nhập của bà con cũng khá hơn chút đỉnh”.

Bài, ảnh: Hữu Huynh

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!