(TSVN) – Hội đồng thủy sản Na Uy (NSC) cho biết ngành hàng cua huỳnh đế thắng lớn trong năm 2023 với kim ngạch xuất khẩu kỷ lục do sản phẩm của Nga bị cấm vận tại Mỹ và châu u.
Trong năm ngoái, Na Uy đã xuất khẩu 2.500 tấn cua huỳnh đế, thu về 1,2 tỷ NOK, tăng 78% khối lượng và 43% giá trị so cùng kỳ. NSC cho biết, giá trị xuất khẩu cua huỳnh đế năm 2023 đã lập đỉnh mới, vượt mức kỷ lục 205 triệu NOK của năm 2021.
Na Uy đã xuất khẩu 2.500 tấn cua huỳnh đế trong năm 2023, thu về 1,2 tỷ NOK. Ảnh: Philip Lee Harvey
Marte Sofie Danielsen, quản lý ngành hàng giáp xác và nhuyễn thể có vỏ tại NSC cho biết, kỷ lục mới có được là nhờ sự gia tăng khối lượng xuất khẩu sau khi chính phủ nâng hạn ngạch khai thác cộng với tình hình thị trường được cải thiện. Cụ thể, dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến châu Á cũng như nhu cầu tiêu thụ tại thị trường này đều được cải thiện, trong khi các lệnh trừng phạt đối với cua Nga ở phương Tây góp phần làm tăng lượng xuất khẩu cua Na Uy sang Mỹ.
Giới chức ngành thủy sản Na Uy thậm chí cũng ngạc nhiên về thành tích của ngành hàng cua huỳnh đế trong năm vừa qua bởi giá mặt hàng này, gồm cua sống và đông lạnh đều giảm so với mức giá kỷ lục của năm 2022. Theo Tổng cục Thủy sản Na Uy, các sản phẩm cua huỳnh đế năm 2023 được giao dịch ở mức giá trung bình 306 NOK, giảm 26% so với năm 2022.
Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc) và Việt Nam là những thị trường tiêu thụ cua huỳnh đế lớn nhất của Na Uy, trong đó Mỹ giữ vị trí dẫn đầu cả về khối lượng và giá trị nhập khẩu tăng 80% so với năm 2022. Theo NSC, lệnh cấm khai thác cua huỳnh đế tại Alaska hồi tháng 10/2023 cùng với lệnh cấm vận của Nga đã mở đường cho cua Na Uy tràn vào thị trường Mỹ trong năm này.
Năm 2021 cũng là mốc thời gian ghi nhận những kỷ lục của ngành hàng cua huỳnh đế Na Uy nhờ nhu cầu tiêu thụ tại châu Á tăng vọt. Lượng cua huỳnh đế sống xuất khẩu sang châu Á đạt mức tăng trưởng lớn nhất trong năm 2021 và năm 2022. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, thị trường châu Á bắt đầu nhập khẩu thêm cua huỳnh đế từ Nga. Từ đây, cua huỳnh đế giá rẻ từ Nga bắt đầu chiếm lĩnh Hàn Quốc và Trung Quốc, làm sụt giảm thị phần cua huỳnh đế Na Uy. Từ đó đến nay, xuất khẩu cua huỳnh đế Na Uy sang châu Á chưa lấy lại vị thế ban đầu. Tuy nhiên, đến năm 2023, xuất khẩu cua Na Uy sang Việt Nam và Hồng Kông tăng vọt 36% và 21% so cùng kỳ, mở ra tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của Na Uy tại châu Á.
Theo Urner Barry, thị trường cua huỳnh đế tiếp tục diễn biến “lệch quỹ đạo” vào năm 2024. Nguồn cung cua huỳnh đế đỏ và vàng của Nga vẫn sẵn có nhưng hàng tồn kho cực kỳ ít. Cùng đó, nguồn cung cua huỳnh đế của Na Uy và Alaska cũng dần khan hiếm hơn ở thị trường Mỹ. Được biết, Na Uy đã cắt giảm hạn ngạch cua huỳnh đế trong năm 2024 xuống mức 966 tấn cua đực và 60 tấn cua cái, khá chênh lệch so với hạn ngạch 2.375 tấn của năm 2023. Tuy nhiên, khi cua Nga vẫn bị cấm vận, Na Uy sẽ tiếp tục giữ chân Mỹ trở thành thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng này.
Tuấn Minh
(Theo Seafoodnews)