Những ngày qua, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài khiến nhiều đối tượng nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT Nam Định và các địa phương đã tăng cường hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng nuôi nhằm giảm thiểu những thiệt hại do rét gây ra.
Phòng chống rét cho các đối tượng nuôi thủy sản khó hơn cho gia súc, gia cầm và cây trồng bởi hiện nay các phương tiện chuyên dụng trong việc phòng, chống rét cho thủy sản không có. Trong khi đó, các đối tượng nuôi thủy sản là những động vật biến nhiệt (thân nhiệt thay đổi theo nhiệt độ môi trường), vì vậy trời rét ảnh hưởng trực tiếp đến các đối tượng ở giai đoạn giống cần lưu qua đông; đàn tôm, cá bố mẹ nuôi vỗ để cho sinh sản sớm vào đầu mùa; đặc biệt là các loài chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc bông, cá vược…
Người nuôi tôm ở Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) kiểm tra tình hình phát triển của tôm trong mùa đông.
Để đảm bảo an toàn cho các đối tượng nuôi, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất giống, các hộ nuôi thuỷ sản thường xuyên theo dõi sát diễn biến thời tiết trong mùa đông năm nay. Khi thấy nhiệt độ không khí, nhiệt độ nước hạ xuống dưới 200C và kéo dài, các cơ sở sản xuất triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho các đối tượng con nuôi. Từ đầu vụ nuôi thuỷ sản mùa đông năm nay, nhiều hộ nông dân đã gia cố bờ ao chắc chắn, không để ao, đầm rò rỉ mất nước; bờ ao phía đông đảm bảo thoáng, không để cây cối che khuất ánh sáng mặt trời.
Trong đợt rét cuối năm 2012, đầu năm 2013, hơn 3.000m2 nuôi cá rô phi của gia đình anh Phạm Văn Khánh, xã Tân Khánh (Vụ Bản) có hiện tượng cá chết rét, lớn chậm, hiệu quả kinh tế không cao. Rút kinh nghiệm, năm nay gia đình anh đã chuyển sang nuôi các loại cá truyền thống có khả năng chống chịu rét tốt như trắm, trôi… và chú trọng áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho cá. Anh Khánh cho biết: Thường mực nước trung bình của các ao cá chỉ giữ khoảng 1,2m, nhưng đến mùa đông, anh đã chủ động đưa nước vào với mức từ 1,5 – 1,7m, bảo đảm tầng đáy ấm. Ngoài ra, anh còn thả thêm bèo tây trên mặt ao để giữ ấm và chống gió cho ao nuôi.
Trong những ngày rét đậm, nhiều hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định còn quây bạt ni lông để ngăn tối đa gió thổi vào ao nuôi. Ở huyện Nghĩa Hưng, ngay khi Sở NN&PTNT Nam Định có công văn chỉ đạo, huyện đã có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn triển khai hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp chống rét kịp thời. Anh Bùi Văn Nhân ở ô 5, khu Đông Nam Điền, thị trấn Rạng Đông cho biết: Vụ đông này, gia đình anh nuôi 4.000m2 tôm thẻ chân trắng để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết. Trong đợt rét năm nay, cùng với việc nâng cao mực nước, tăng cường chạy quạt điện ở ao nuôi, anh thường xuyên cho cá ăn bổ sung Vitamin C và giảm từ 4 lần cho ăn trong ngày xuống chỉ còn 2 lần để bảo vệ tôm nuôi…
Bên cạnh các đối tượng nuôi lưu động, Sở NN&PTNT Nam Định và các địa phương chỉ đạo các cơ sở thực hiện tốt công tác chăm sóc, quản lý không để đàn thủy sản bố mẹ và đàn giống bị thiệt hại do các nguyên nhân chủ quan. Tại Trung tâm Giống thủy đặc sản tỉnh ngay từ đầu mùa đông, các loại cá sinh sản chịu rét kém như cá lăng chấm, cá rô phi, cá chạch bùn… đã được đưa lên bể được che chắn bằng bạt, lắp hệ thống sục khí để tăng lượng ô xy. Chế độ ăn cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Để góp phần giảm thiệt hại cho người nuôi thủy sản, Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ nuôi căn cứ đặc điểm, sinh lý của thuỷ sản để thực hiện các biện pháp chống rét, như khi nhiệt độ xuống dưới 150C, không nên cho cá, tôm ăn, vừa tốn thức ăn vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu nhiệt độ xuống dưới 100C cá, tôm sẽ tìm nơi tránh rét nên không bón phân hữu cơ xuống ao trong những ngày thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài để đảm bảo môi trường sạch, tránh hiện tượng nấm thủy mi phát triển gây bệnh cho con nuôi. Trong suốt thời gian thủy sản trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá làm cá bị xây xát dẫn đến bị nhiễm bệnh và chết.
Cùng với biện pháp phòng, chống rét, các hộ nuôi chú ý tăng sức đề kháng cho các đối tượng nuôi bằng việc cho ăn bổ sung thêm Vitamin C, B1, Bcomplex; phòng bệnh cho cá định kỳ 1 tháng/lần bằng các loại thuốc theo hướng dẫn cụ thể của cán bộ kỹ thuật; định kỳ dùng vôi hoà nước té cho ao, liều lượng dùng là 5 – 7 kg/sào/tháng; thả thêm một số đối tượng sống tầng đáy, có khả năng chịu rét như cá chép để khuấy động đáy ao, tăng ô xy, tránh hiện tượng cá nằm chết ở đáy ao. Khi nước ao bị ô nhiễm, sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi. Người nuôi thủy sản cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi, thực hiện đồng bộ các biện pháp đã được hướng dẫn để tránh thiệt hại. Hiện, các địa phương đang chỉ đạo các hộ nuôi tập trung thu hoạch các đối tượng nuôi đã đủ kích cỡ, trọng lượng, nhằm tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài.