Tôm chân trắng là đối tượng nuôi có nhiều lợi thế đối với các huyện ven biển nhờ các đặc tính: thời gian nuôi ngắn, sức đề kháng tốt, năng suất cao, thích hợp với hình thức nuôi thâm canh và bán thâm canh.
Đặc biệt tôm chân trắng cho tỷ lệ thịt cao 66-68%, giá thành rẻ hơn tôm sú nên thị trường xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu thụ nội địa đều ổn định. Tuy nhiên, nuôi tôm chân trắng còn nhiều hạn chế như: vốn đầu tư lớn (gấp 2,5 lần so với nuôi tôm sú); tôm hay bị nhiễm bệnh Taura (bệnh đỏ đuôi), bệnh lây lan nhanh và gây chết hàng loạt nhưng chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu; trình độ kỹ thuật, quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản của người nuôi chưa đồng đều nên khả năng tiếp cận, cập nhật thông tin hạn chế và chưa có quy trình nuôi cụ thể… Đặc biệt đối với diện tích đã nuôi tôm chân trắng thì sau 1-2 năm phải cải tạo ao theo đúng quy trình kỹ thuật. Quan trọng hơn, diện tích nuôi tôm chân trắng không thể trở lại làm muối hoặc nuôi các loại thuỷ sản khác do đất bị nhiễm hoá chất.
Cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Nam Điền (Nghĩa Hưng).
Tuy nhiên do hiệu quả kinh tế từ nuôi tôm chân trắng cao hơn so với các đối tượng thuỷ sản khác và gấp hàng chục lần so với làm muối nên ở hầu hết các xã ven biển của các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng thời gian qua, các hộ đã mở rộng diện tích nuôi tôm chân trắng. Năm 2009, diện tích nuôi là 50ha, đến năm 2011 diện tích nuôi là 180ha; từ đầu năm 2012 đến nay, diện tích nuôi tôm chân trắng tăng lên 295ha, gấp gần 2 lần so với diện tích quy hoạch phát triển tôm chân trắng đến năm 2020 của Sở NN và PTNT. Trong đó, huyện Giao Thuỷ nuôi 150ha, huyện Hải Hậu nuôi 108ha. Với tốc độ phát triển nhanh, tự phát, không theo quy hoạch nên các vùng nuôi nuôi tôm chân trắng đang tiềm ẩn nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm… do sử dụng nhiều thức ăn, hoá chất, chế phẩm sinh học và thuốc phòng trừ bệnh cho tôm không theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hơn nữa do nuôi tôm tràn lan khiến cơ sở hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo, xả thải bừa bãi các chất thải hỗn hợp, các hóa chất nuôi tôm chưa qua xử lý gây ảnh hưởng đến diện tích canh tác khác và ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt của người dân. Những tháng đầu năm 2012, đã xuất hiện tình trạng tôm chết rải rác ở cả 3 huyện ven biển; trong đó, có trên diện tích 4ha nuôi thả tôm chân trắng của 20 hộ dân ở HTX Đông Hải, xã Hải Đông (Hải Hậu).
Trước thực trạng này, Sở NN và PTNT yêu cầu các địa phương, các hộ nuôi thực hiện nghiêm túc Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT của Bộ NN và PTNT ban hành ngày 22-7-2010 quy định điều kiện cơ sở vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện theo quy hoạch vùng nuôi do UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, chỉ phát triển nuôi tôm chân trắng ở các vùng nuôi tập trung có điều kiện đảm bảo như các xã Giao Phong, Giao Yến, Bạch Long, Giao Thiện (Giao Thủy); Hải Triều, Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông (Hải Hậu) và Nam Điền, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… Cùng với việc khuyến cáo nhân dân tổ chức nuôi thả theo quy hoạch, Sở NN và PTNT yêu cầu Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản, Phòng Nuôi trồng thuỷ sản và Phòng NN và PTNT 3 huyện ven biển tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi, cách lựa chọn con giống, thức ăn và chế phẩm xử lý ao nuôi cho các hộ nuôi tôm trong tỉnh. Đồng thời, khuyến cáo các hộ nuôi thực hiện biện pháp nuôi rải vụ để có sản phẩm cung ứng cho thị trường, tránh bị tư thương ép giá và chủ động liên kết trong cung ứng vật tư nghề nuôi và bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong cùng nhóm. Xây dựng vùng nuôi tôm chân trắng ứng dụng quy tắc thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm (GAP/CoC) tại HTX nuôi thủy sản Giao Phong (Giao Thủy) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, loại bỏ các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ mô hình HTX nuôi thủy sản Giao Phong, mục tiêu đến năm 2020 sẽ áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt và nuôi có trách nhiệm ở các vùng nuôi trong tỉnh. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng chủ động nghiên cứu đưa vào nuôi một số con giống mang nguồn gen khoẻ, có khả năng thích nghi với điều kiện sống khắc nghiệt như cá song, cá vược thay thế khi phong trào nuôi tôm chân trắng thoái trào.