Nam Định: Tăng cường quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Nam Định có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế thủy sản. Những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh đã và đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô, diện tích và sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn về diện tích, tạo ra sản phẩm thủy sản tập trung, có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Chính từ sự phát triển mạnh, đa dạng sản phẩm hiện nay của nghề nuôi thủy sản, cùng với diễn biến phức tạp của khí hậu thời tiết, môi trường nước nhiều nơi bị ô nhiễm đã làm xuất hiện dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Vì vậy, công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh trong nuôi thủy sản được xác định là biện pháp hàng đầu để phòng chống dịch bệnh với phương châm “phòng bệnh là chính”. 

Nông dân xã Giao Xuân (Giao Thủy) kiểm tra môi trường đáy ao trước khi thả giống. 

Nông dân xã Giao Xuân (Giao Thủy) kiểm tra môi trường đáy ao trước khi thả giống.

Chi cục Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT) đã thực hiện tốt công tác quản lý, thu thập thông tin về tình hình nuôi của chủ hộ và vùng nuôi; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các vùng nuôi làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi, vùng nuôi thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, quản lý chăm sóc và sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh và chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Trong công tác giám sát, quan trắc và cảnh báo, Chi cục thường xuyên tổ chức thu mẫu nước tại cửa cống lấy nước của các vùng nuôi trong tỉnh, ao nuôi và mẫu tôm để cảnh báo sớm định kỳ mỗi tháng 2 lần; thu mẫu khi phát hiện tôm chết và có biểu hiện của bệnh tại 3 vùng nuôi mặn lợ của tỉnh. Trong năm 2014, Chi cục đã thu 244 mẫu môi trường nước để xét nghiệm 6 chỉ tiêu: pH, độ kiềm, NH3, ôxy, nhiệt độ và độ mặn. Qua phân tích, các mẫu nhìn chung các chỉ tiêu cơ bản nằm trong giới hạn cho phép, chỉ có 20 mẫu tại vùng nuôi Giao Phong, Quất Lâm (Giao Thủy); Hải Đông, Hải Phúc (Hải Hậu); Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) có chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Từ tháng 5 đến tháng 8 và tháng 10/2014, tại một số vùng nuôi tôm của tỉnh đã xảy ra hiện tượng tôm chết. Tổng số diện tích tôm chết là 175 ha, trong đó có 24,85 ha do tôm bị bệnh. Qua kiểm tra, nguyên nhân tôm chết được xác định do thời tiết thay đổi đột ngột (nắng nóng xen kẽ mưa rào), mật độ thả ở một số ao nuôi quá dày (trên 200 con/m2), trình độ thâm canh của một số hộ nuôi kém, quản lý môi trường ao nuôi không tốt, đồng thời xác định được vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp và virus đốm trắng tại một số ao nuôi có tôm bệnh. Chi cục Thú y đã thu 243 mẫu thủy sản, trong đó có 228 mẫu tôm thẻ chân trắng, 9 mẫu tôm sú, 6 mẫu cá, tiến hành kiểm tra xét nghiệm các bệnh: đốm trắng, taura và hoại tử gan tụy cấp trên tôm; bệnh viêm đường ruột trên cá. Kết quả có 8 mẫu tôm thẻ chân trắng dương tính với bệnh đốm trắng tại vùng nuôi Hải Đông, Hải Nam (Hải Hậu), Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); 9 mẫu tôm thẻ chân trắng dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp tại vùng nuôi Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy), Hải Đông, Hải Nam (Hải Hậu); 4 mẫu cá bị bệnh viêm đường ruột tại vùng nuôi Yên Nghĩa (Ý Yên), Thị trấn Rạng Đông. Qua việc giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường phòng, chống dịch bệnh, căn cứ vào kết quả xét nghiệm đã giúp Chi cục Thú y có những thông số về môi trường nước, tình hình dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và người nuôi đối phó với những biến đổi của môi trường, biết được tình hình dịch bệnh đang xảy ra trong ao đầm để có những biện pháp đối phó kịp thời nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cho người nuôi và kinh tế địa phương. Bước vào vụ nuôi năm 2015, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, nhất là giống tôm thẻ chân trắng nhập vào địa phương đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, quản lý và phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản cho nông, ngư dân, nâng cao nhận thức của nông, ngư dân về kỹ thuật và tính cộng đồng trong nuôi trồng thủy sản. Chi cục Thú y phân công cán bộ phụ trách từng huyện, xã cụ thể để đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện tốt quan trắc, thu mẫu cảnh báo định kỳ 2 lần/tháng và thu mẫu khi phát hiện tôm chết tại 3 vùng nuôi mặn lợ của tỉnh; phát hiện, báo cáo kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, hướng dẫn xử lý nhanh gọn, đúng quy trình các ổ dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch gây ra. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Quan trắc cảnh báo môi trường dịch bệnh (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) tiến hành quan trắc môi trường và vật nuôi tại các vùng nuôi tôm và ngao trong tỉnh. Về kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản năm 2015, ngoài việc thu mẫu định kỳ tại các vùng nuôi trọng điểm, Chi cục Thú y sẽ phối hợp với Tổng cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thu mẫu, phân tích, thông báo và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và cải tạo môi trường cho các hộ nuôi. Thực hiện sự chỉ đạo của Cục Thú y về triển khai nhiệm vụ các giải pháp phòng, chống dịch đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp trên tôm, Chi cục Thú y đã lựa chọn 30 hộ tại 2 huyện Giao Thủy và Hải Hậu để tiến hành thu mẫu giám sát dịch bệnh hằng tuần, bắt đầu thực hiện từ ngày 1/4 đến hết tháng 8/2015 bao gồm thu mẫu môi trường và tôm nuôi gửi mẫu về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tiến hành xét nghiệm và thông báo kết quả xét nghiệm tới các cơ sở nuôi.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, các địa phương cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy hoạch, các vùng nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng. Các hộ nuôi thủy sản cần phải sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; tuân thủ đầy đủ các quy trình, kỹ thuật nuôi để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Báo Nam Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!