T2, 06/07/2020 11:41

Năm tập trung nâng cao năng lực hoạt động kiểm ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

“Thuận lợi lớn nhất đối với lực lượng Kiểm ngư thời gian qua chính là sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản; sự động viên ý nghĩa về tinh thần và cả vật chất của đông đảo đồng bào ta.

Kiểm ngư lực lượng còn mỏng; chế độ chính sách đối với lực lượng Kiểm ngư viên như phụ cấp nghề, phụ cấp ưu đãi, hệ thống thang bảng lương đang còn đang xây dựng; đầu tư cho kiểm ngư còn hạn chế. Về lâu dài, để xây dựng Kiểm ngư trở thành lực lượng lớn mạnh, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp các ngành…” – Cục trưởng Cục Kiểm ngư Lưu Văn Huy (ảnh) chia sẻ với Thủy sản Việt Nam.

 

Ông Lưu Văn Huy nói: Trước niềm tin yêu đó, Kiểm ngư xin hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhân dân, Đảng, Nhà nước giao phó. Chúng tôi cố gắng hết sức mình, không đòi hỏi gì nhiều, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, xứng đáng với niềm tin và là người bạn đồng hành cùng ngư dân…

 

Ông có thể cho biết một số nét mới trong công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo và hoạt động của Cục Kiểm ngư thời gian qua?

Lực lượng Kiểm ngư được hình thành và đi vào hoạt động sau khi có Nghị định 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị đến ngày 15/4/2014, lực lượng Kiểm ngư đã ra mắt nhân dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã tới dự, chỉ đạo và chia vui cùng lực lượng Kiểm ngư.

Mới ra mắt được 2 tuần thì ngày 1/5/2014, khi thực hiện nhiệm vụ, cùng với các lực lượng khác, Kiểm ngư đã phát hiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển nước ta. Bên cạnh Cảnh sát Biển, Kiểm ngư đóng vai trò là lực lượng chủ chốt, chính yếu tham gia đấu tranh buộc giàn khoan phi pháp này phải rời khỏi vùng biển nước ta.

Thời gian qua, Cục Kiểm ngư đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy từ Cục xuống các Chi cục Kiểm ngư, Chi đội Kiểm ngư, Trạm Kiểm ngư. Cơ bản hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực Kiểm ngư và Đề án tổng thể phát triển lực lượng Kiểm ngư. Cục đã chỉ đạo các Chi cục Kiểm ngư Vùng tổ chức tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân; xử lý một số vi phạm điển hình để nâng cao nhận thức của ngư dân. Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho hàng nghìn lượt tàu thuyền khai thác trên biển về Luật Thủy sản, tuyên truyền ngư dân không tổ chức đánh bắt ở những khu vực cấm, nhạy cảm, không vi phạm vùng biển các nước… Cục đã phối hợp tốt với các bộ, ngành và các lực lượng chấp pháp khác tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động nghề cá trên biển, điều động hàng trăm lượt tàu kiểm ngư tham gia hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa, ngăn chặn các hành vi vi phạm của tàu cá nước ngoài tại vùng biển Việt Nam, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo nước ta.

Đến nay, chúng tôi đã có 5 Chi cục Kiểm ngư Vùng: Chi cục Kiểm ngư Vùng I, trụ sở tại thành phố Hải Phòng; Chi cục Kiểm ngư Vùng II, trụ sở tại thành phố Đà Nẵng; Chi cục Kiểm ngư Vùng III, trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa; Chi cục Kiểm ngư Vùng IV, trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Chi cục Kiểm ngư Vùng V, trụ sở tại tỉnh Kiên Giang đang được kiện toàn tổ chức. Vừa qua, Đảng bộ cơ sở Cục Kiểm ngư cũng đã được thành lập và ra mắt cùng với hoạt động của của Công đoàn, Đoàn Thanh niên… Như vậy, với thời gian ngắn nhưng khối lượng công việc đã làm được của Cục là rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm tàu Kiểm ngư – Ảnh: KNVN

 

Trọng tâm ưu tiên trong nhiệm vụ của Cục thời gian tới là gì, thưa ông?

Năm 2015, chúng tôi xác định là “Năm tập trung nâng cao năng lực cho hoạt động kiểm ngư”. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tất cả các khâu, các cấp đều phải thể hiện sự chuyên nghiệp, chính quy, thân thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực Kiểm ngư đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; bổ sung cán bộ đủ năng lực, có phẩm chất chính trị vững vàng, tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ giỏi kiến thức chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ. Hiện tại, lực lượng thực thi nhiệm vụ trên các tàu Kiểm ngư còn thiếu, chúng tôi đã có kế hoạch tuyển dụng thêm cán bộ có sức khỏe tốt, khả năng đi biển tốt, có kỹ năng xử lý vi phạm hành chính, ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra trên biển… Tập trung nguồn lực, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật; đóng mới các tàu Kiểm ngư để đưa vào hoạt động, tăng cường sự hiện diện trên biển để hỗ trợ ngư dân, tham gia bảo vệ chủ quyền.

Cục sẽ tăng cường với các lực lượng tổ chức phối hợp tuần tra chung, kiểm tra, kiểm soát hỗ trợ ngư dân; tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp với Kiểm ngư các nước bạn để giao lưu, học hỏi nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ Kiểm ngư Việt Nam.

 

Vậy theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất với hoạt động của lực lượng hiện nay?

Nghị định 102/2012/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cơ sở pháp lý cho lực lượng Kiểm ngư. Nhưng khó khăn hiện nay là lực lượng còn mỏng, biên chế hạn hẹp; chế độ chính sách đối với lực lượng Kiểm ngư như: phụ cấp nghề, phụ cấp ưu đãi, hệ thống thang bảng lương đang còn thiếu; đầu tư cơ sở vật chất cho Kiểm ngư còn hạn chế, thiếu nhiều tàu Kiểm ngư, cần được đầu tư thêm trong thời gian tới. Anh em Kiểm ngư thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển trong điều kiện rủi ro cao nên cần được hưởng phụ cấp như hải quân, cảnh sát biển, kiểm lâm, thanh tra hay hải quan… Rồi chúng ta cũng phải tính đến trường hợp tai nạn, hy sinh khi thực thi nhiệm vụ trên biển, Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư cũng được hưởng chế độ như thương binh, liệt sỹ.

Vừa qua, liên bộ Công an – NN&PTNT đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BCA-BNNPTNT về trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ và thiết bị chuyên dùng của lực lượng Kiểm ngư. Đây là một thuận lợi cho lực lượng Kiểm ngư để tự vệ trong khi thực thi nhiệm vụ. Chúng tôi đang tổ chức huấn luyện cho lực lượng Kiểm ngư về chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ năng sử dụng vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ. Thời gian tới, Cục mong muốn đuợc cấp trên đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện hoạt động, đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ được giao. Sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản để đưa chế định Kiểm ngư vào Luật Thủy sản.

 

Dù mới ra mắt nhưng lực lượng Kiểm ngư đã đón nhận sự quan tâm, niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Qua Thủy sản Việt Nam, ông có nhắn gì tới ngư dân cả nước?

Lực lượng Kiểm ngư đã nhận được sự quan tâm của xã hội và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân trong thời gian tới. Chúng tôi xin hứa sẽ ra sức học tập rèn luyện, tiếp tục cống hiến hết sức mình để không phụ niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước cũng như của kiều bào ta ở nước ngoài với lực lượng Kiểm ngư; tiếp tục xây dựng lực lượng Kiểm ngư trở thành lực lượng đủ mạnh, chính quy, thân thiện và luôn đồng hành cùng ngư dân.

Qua Thủy sản Việt Nam, tôi muốn nói lời cảm ơn sự quan tâm đặc biệt đó. Sự đồng lòng ủng hộ của người dân trong nước, đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua những khó khăn ở những ngày đầu mới hình thành, xây dựng lực lượng. Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, động viên, sự hợp tác và ủng hộ của nhân dân, ngư dân.

 

Phía Trung Quốc lại vừa áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trên Biển Đông, Cục có giải pháp và lời khuyên gì tới ngư dân?

Chúng tôi đã sớm nắm bắt thông tin việc chính quyền thành phố Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) thông báo “Phương án thực thi công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt trên biển của thành phố Hải Khẩu năm 2015” trong đó cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá trên biển (trừ nghề câu và rê đơn) từ 12h ngày 16/5/2015 đến 12h ngày 1/8/2015 trong phạm vi vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới của vùng biển tỉnh Quảng Đông với tỉnh Phúc Kiến (bao gồm toàn bộ Vịnh Bắc bộ và một số khu vực thuộc chủ quyền biển Việt Nam).

Sau thông báo của phía Trung Quốc, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan thuộc Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan, tham mưu Bộ NN&PTNT ra văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường công tác quản lý tàu cá, kiểm soát tàu thuyền trước khi ra khơi. Thông báo với  ngư dân về lệnh cấm vô giá trị của phía Trung Quốc; tuyên truyền ngư dân tiếp tục ra khơi để bảo vệ ngư trường truyền thống. Không khai thác ở phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ (trừ nghề rê đơn và nghề câu). Thời gian này, chúng tôi tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát trên biển. Trong trường hợp các tàu của Trung Quốc (do lệnh cấm đánh bắt cá từ phía họ) mà lấn sang vùng biển của chúng ta để khai thác, các lực lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm và có biện pháp buộc tàu vi phạm quay về vùng biển của họ. Ngư dân cần cảnh giác cao, đoàn kết, liên kết lại thành các tổ, đội sản xuất, cùng hỗ trợ nhau vươn khai bám biển; giữ vững ngư trường truyền thống. Đặc biệt, ngư dân cần giữ liên lạc và thông tin kịp thời cho cho đường dây nóng của Cục Kiểm ngư (Tel: 04.62737323 – Trung tâm Thông tin Kiểm ngư), Chi cục Kiểm ngư các Vùng để chúng tôi có thể kịp thời hỗ trợ ngư dân trong tình huống cần thiết.

Ngọc Thọ - Dương Thảo - Thu Trang (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!