ĐBSCL tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Khi đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng.
Môi trường xuống cấp
ĐBSCL tập trung nhiều các loại đất phèn tiềm tàng và phèn hoạt động. Khi đào đắp ao nuôi thủy sản, đào kênh rạch cấp và thoát nước, vệ sinh ao nuôi sau mùa thu hoạch đã làm cho tầng phèn tiềm ẩn bị tác động bởi quá trình ôxy hóa sẽ diễn ra quá trình lan truyền phèn rất mãnh liệt làm giảm độ pH môi trường nước, gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tôm, cá trong nuôi trồng. Chất lượng nước trong các ao nuôi thủy sản gồm cá nước ngọt, nuôi tôm ven biển nhất là trong các mô hình nuôi công nghiệp đã cho thấy dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD, N, P cao hơn tiêu chuẩn cho phép), có sự xuất hiện các thành phần độc hại như H2S, NH3+ và chỉ số vi sinh Coliforms.
Trong môi trường nước vùng mặn hóa ven biển, hàm lượng sắt trong nước do quá trình phèn hóa mạnh mẽ, N-NH3, Coliforms… cũng gây ảnh hưởng đến nuôi thủy sản, đặc biệt độ đục môi trường nước cao do phù sa và bùn đáy ao nuôi tôm được thải trực tiếp ra các kênh rạch.
Chất thải trong nuôi trồng thủy sản là bùn thải chứa phân của các loài tôm, cá, thức ăn dư thừa bị phân hủy, chất tồn dư của các loại vật tư sử dụng trong nuôi trồng như: hóa chất, vôi và các loại khoáng chất Diatomit, Dolomit, lưu huỳnh lắng đọng, các chất độc hại có trong đất phèn Fe2+, Fe3+, Al3+, SO42-, các thành phần chứa H2S, NH3… là sản phẩm của quá trình phân hủy yếm khí ngập nước tạo thành, nguồn bùn phù sa lắng đọng trong các ao nuôi trồng thủy sản thải ra hàng năm trong quá trình vệ sinh và nạo vét ao nuôi. Đặc biệt, với các mô hình nuôi kỹ thuật cao, mật độ lớn như thâm canh, công nghiệp… thì nguồn thải càng lớn và tác động gây ô nhiễm môi trường càng cao.
Một số kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, chỉ có 17% trọng lượng khô của thức ăn cung cấp cho ao nuôi được chuyển thành sinh khối, phần còn lại được thải ra môi trường dưới dạng phân và chất hữu cơ dư thừa thối rữa vào môi trường.
Cấp bách bảo vệ
Để bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản nói riêng và môi trường sinh thái nói chung, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương cần kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh ô nhiễm môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi trồng thủy sản thuộc trách nhiệm quản lý; kịp thời xử lý khi phát hiện các hiện tượng bất thường trong nuôi thủy, hải sản; phối hợp với các cơ quan liên quan tìm ra nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại…
Khẩn trương tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển, ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại khu vực ven biển, ven sông. Rà soát, thống kê, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền nhằm mục đích thực hiện đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tăng cường kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động xả nước thải vào nguồn nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn; có biện pháp giám sát việc thực hiện.