Đây là nội dung được bàn luận tại Hội nghị Bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác do Bộ NN&PTNT cùng UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức vừa qua; Với sự tham gia của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở NN&PTNT 28 tỉnh, thành ven biển, các hiệp hội, doanh nghiệp và ngư dân.
Áp dụng công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác Ảnh: MH
Phát triển bền vững
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,421 triệu tấn, tăng 5,7% so năm 2016, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 3,221 triệu tấn và khai thác nội địa đạt 200 nghìn tấn. Năm 2017, xuất khẩu thủy sản đã cán đích với mức trên 8,3 tỷ USD, tăng 18% so năm 2016. Trong đó hải sản khai thác đạt gần 2,8 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng như: cá ngừ, nhuyễn thể, cua, ghẹ, các loại cá biển khác.
Khai thác thủy sản trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh, mạnh, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh chủ quyền biển đảo. Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Nhà nước tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP, trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy phát triển khá mạnh các tàu có công suất lớn, nhiều tàu cá vỏ thép, vỏ composite có trang bị hiện đại được ngư dân mạnh dạn đầu tư đóng mới. Đến nay, đã đóng mới 925 tàu theo Nghị định 67 công suất từ 400 CV trở lên có trang bị hiện đại, đảm bảo hoạt động dài ngày trên biển, trong đó 349 tàu cá vỏ thép, 78 tàu cá vỏ composite, 498 tàu cá vỏ gỗ; ngư dân cũng đã vay vốn để nâng cấp 130 tàu cá, nhiều tàu khai thác đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, cả nước có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp. Các cơ sở này đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có khoảng 600 cơ sở áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) đạt tiêu chuẩn được phép xuất khẩu vào các thị trường, có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trực tiếp vào Nhật Bản, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Tuy nhiên, công nghệ chế biến các sản phẩm xuất khẩu phần lớn ở dạng thô (fillet, nguyên con, cắt khúc…) đông lạnh, chế biến theo nhu cầu đặt hàng của thị trường, các mặt hàng thủy sản thô xuất khẩu đến tay người tiêu dùng không được mang thương hiệu Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cả về giá trị và sản lượng qua các năm. Năm 2010 sản lượng xuất khẩu 5,1 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt 5,016 tỷ USD đến năm 2017 giá trị xuất khẩu tăng 8,3 tỷ USD nhưng tỷ trọng các mặt hàng chế biến tinh trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản thấp. Trong đó, hải sản khai thác gần 2,8 tỷ USD, tập trung ở các mặt hàng như: Cá ngừ, nhuyễn thể, cua, ghẹ, các loại cá biển khác.
Nâng cao hiệu quả bảo quản
Bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực khai thác vẫn còn tồn tại một số bất cập như: Chưa kiểm soát được sự gia tăng về số lượng tàu thuyền, cơ cấu nghề chưa hợp lý, tổ chức sản xuất trên biển vẫn mang tính nhỏ lẻ; công nghệ khai thác, cơ khí đóng sửa tàu thuyền, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch trên tàu còn hạn chế; tình trạng cạnh tranh giữa các loại nghề, giữa các nhóm tàu, giữa tàu địa phương, trong cùng một ngư trường ngày càng lớn; vi phạm vùng khai thác… đã làm cạn kiệt nguồn lợi hải sản vùng biển ven bờ; hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nghề cá để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch khai thác thủy sản còn hạn chế. Tổn thất sau thu hoạch của các nghề khai thác hải sản hiện nay trung bình trong khoảng 15 – 25%, trong đó nghề lưới kéo có tỷ lệ tổn thất cao nhất, các nghề khai thác bằng lưới vây, chụp mực, bẫy mực, nghề câu có tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thấp hơn, trung bình 12 – 18%. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân chính là các thiết bị và công cụ hỗ trợ cho công đoạn này đang rất lạc hậu, thô sơ. Nhiều tàu chưa được trang bị hoặc có nhưng thiếu đồng bộ với máy móc và thiết bị khác trên tàu dẫn tới hiệu quả làm việc chưa cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp nhằm tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường liên kết chuỗi trong khai thác hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, giải pháp để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm trong sản phẩm hải sản xuất khẩu, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hải sản khai thác… Đặc biệt, Hội nghị cùng bàn các giải pháp quyết liệt để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, từ đó sẽ chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Bộ NN&PTNT đã thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, theo đó, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các trường hợp tàu cá vi phạm trên vùng biển nước ngoài (vùng Biển Đông). Theo đó, yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương có tàu cá vi phạm phải vào cuộc xử lý vi phạm và tiến tới sẽ phải chấm dứt tình trạng này.
>> Tính đến 31/12/2017, cả nước có 109.622 tàu cá, với tổng công suất trên 10 triệu CV, trong đó 45.985 tàu công suất dưới 20 CV; 27.182 tàu công suất 20 – 90 CV; 10.449 tàu công suất từ 90 CV đến dưới 250 CV; 9.916 tàu công suất từ 250 CV đến dưới 400 CV và 16.090 tàu công suất từ 400 CV trở lên. Mục tiêu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản khai thác đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18% so năm 2017. |