T2, 06/07/2020 11:55

Nâng cao nhận thức cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Nâng cao hiệu quả khai thác nhưng đồng thời phải đảm bảo an toàn cho ngư dân trong quá trình sản xuất. Đây là việc cần làm của cả ngư dân và ngành chức năng

Liên tục vi phạm

Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Kiên Giang đã có 22 vụ việc vi phạm bị lực lượng chức năng các nước có vùng biển tiếp giáp Việt Nam bắt giữ. Trong đó, 51 phương tiện với gần 300 ngư phủ, thuyền trưởng bị bắt, phạt tiền trên 150.000 USD và gần 1 tỷ VND. Lượng tài sản, cá tôm, xăng dầu bị tịch thu rất lớn. Ngoài ra, còn nhiều vụ khi bị bắt, ngư dân tự tìm cách xử lý, không trình báo cơ quan chức năng nên không thể thống kê.

Trong số 22 vụ tàu cá ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài, có 3 vụ bị Hải quân Thái Lan bắt, 1 vụ bị Hải quân Indonesia bắt, còn lại bị các lực lượng bảo vệ biển Campuchia bắt. Nghiêm trọng nhất vào ngày 11/9, 6 tàu công suất lớn của Kiên Giang đang khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài thì bị tàu Cảnh sát Thái Lan có trang bị súng đuổi bắt.

Đại diện Bộ đội Biên phòng Kiên Giang cho biết, những chiếc tàu đuổi bắt tàu cá Việt Nam là của cơ quan chức năng nước sở tại làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển. Từ các vụ việc trên cho thấy, tàu cá Việt Nam đã lấn sâu, vi phạm chủ quyền vùng biển nước láng giềng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực và làm mất đoàn kết giữa các bên trên vùng biển… Cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào có quyền cấp phép cho tàu nước ngoài vào vùng biển nước mình để khai thác hải sản, và ngược lại. Việc tự đóng tiền ra vùng biển nước ngoài khai thác, khi bị bắt tự tìm cách liên hệ với các đối tượng để chuộc tàu, bảo lãnh người về đã khiến tình hình thêm phức tạp, khó giải quyết. Do các thuyền trưởng chưa nhận thức rõ việc khai thác trên vùng biển nước ngoài là vi phạm chủ quyền, nên khi bị phát hiện, yêu cầu dừng tàu để kiểm tra thì họ cố tình bỏ chạy. Chính vì vậy, phía lực lượng chức năng nước sở tại đã nổ súng và sự việc ngày 11/9 là một điển hình.

Ngư dân khai thác biển xa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm – Ảnh: Xuân Trường

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá Kiên Giang cho biết, dù biết những vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Thái Lan, Malaysia ẩn chứa nhiều rủi ro, hiểm nguy, nhưng một số chủ tàu cá vẫn đến khu vực này đánh bắt. Trên vùng biển Tây Nam, nhất là những vùng biển chồng lấn, đã xuất hiện những băng nhóm câu kết nhau để làm tiền ngư dân với các thủ đoạn: bắt ngư dân mua vé “bảo kê đánh bắt” trên biển. Nếu không chịu mua vé thì sẽ tổ chức vây bắt để buộc chủ tàu phải phải chuộc, với số tiền 2 – 3 tỷ đồng/cặp.

 

Cần phải làm gì?

Trước sự việc tàu cá Việt Nam bị tàu nước ngoài tấn công với số vụ ngày càng tăng, ông Võ Văn Trác, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho biết, Hội lên án gay gắt phía nước ngoài; đồng thời, cũng đề nghị các cơ quan chức năng của ta có biện pháp tăng cường bảo vệ ngư dân, phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn ngay những hành động vi phạm, nhằm bảo vệ ngư dân sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Để bảo vệ ngư dân, các cơ quan chức năng Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục ngư dân đi khai thác trên biển thực hiện đúng quy định, luật pháp quốc tế về biển. Tổ chức ngư dân đi biển đánh bắt theo tổ đội hợp tác để hỗ trợ nhau. Đặc biệt, phải tổ chức cho tốt các lực lượng chấp pháp trên biển như Kiểm ngư, Cảnh sát Biển, Biên phòng… để trở thành chỗ dựa cho ngư dân yên tâm bám biển. Hành động của tàu nước ngoài ngày càng nghiêm trọng, nhiều thủ đoạn nên các lực lượng phải luôn tỉnh táo, phối hợp với nhau. Tự mình phải làm thật tốt trước.

Theo ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, do những nguyên nhân khách quan, trong đó một số tàu cá chưa nắm rõ vùng chủ quyền quản lý kinh tế biển, nên dẫn đến việc ngư dân đưa tàu ra khai thác ở khu vực chồng lấn, bị lực lượng chức năng nước lân cận bắt giữ, bị kẻ xấu đòi tiền chuộc… Thời gian tới, các vấn đề này sẽ được tuyên truyền nhiều hơn và ngành chức năng cũng phải có các biện pháp quản lý tàu thuyền chặt chẽ hơn.

>> Ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, ngư dân khi đánh bắt xa bờ nếu phát hiện tàu lạ, tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam thì báo ngay cho các lực lượng thi hành pháp luật của chúng ta trên biển (Cảnh sát Biển, Hải quân, Kiểm ngư). Tất cả các lực lượng đều có đường dây nóng, tiếp nhận thông tin 24/24h. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cơ quan chức năng bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!