Dịch bệnh, thiếu vốn… khiến số lượng vùng nuôi tôm trên toàn thế giới giảm đáng kể, nguồn tôm cung ứng cho thị trường toàn cầu giảm mạnh, giá tôm tăng chóng mặt.
Nguồn cung giảm mạnh
Ngành tôm nuôi châu Á vẫn chưa phục hồi thực sự sau Hội chứng tôm chết sớm (EMS) diễn ra từ đầu năm 2013, dù nguyên nhân dịch bệnh đã được phát hiện và đến nay đã có nhiều biện pháp kiểm soát hữu hiệu.
Sản lượng tôm nuôi của Thái Lan thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Quý I/2013, nước này chỉ sản xuất 60.000 tấn tôm, giảm mạnh so với mức trung bình 100.000 tấn trước đó. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong quý II/2013. Các cơ quan chức năng Thái Lan dự báo, sản lượng tôm Thái Lan năm nay không quá 300.000 tấn, giảm mạnh so với 500.000 tấn của năm 2012.
Sản xuất tôm ở Trung Quốc và Malaysia cũng giảm mạnh do EMS. Sản lượng tôm nuôi của Malaysia 3 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 60.000 tấn, giảm mạnh so với 90.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Dù chưa có thống kê chính thức sản lượng tôm Trung Quốc, nhưng sự gia tăng nhập khẩu tôm vào nước này thời gian gần đây đã cho thấy có sự thiếu hụt trầm trọng tôm nguyên liệu trong nước.
Tại Việt Nam, gần 80% người nuôi tôm ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi EMS. Ngoài ra, người nuôi tôm Việt Nam còn phải đối diện thực tế thiếu vốn. Họ có thể thế chấp đất canh tác để có được các khoản vay từ ngân hàng, nhưng lại không thể vay một số tiền lớn, vì giá trị thế chấp thấp. Nhiều nông dân đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), dẫn đến sản lượng tôm sú có thể giảm 20 – 30% trong năm nay.
Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra tại Ấn Độ, quốc gia đang được xem là nhà xuất khẩu tôm nuôi lớn thứ hai trên thế giới, sau Thái Lan. Sản lượng TTCT nuôi của Ấn Độ tăng gần gấp đôi năm ngoái. Người nuôi tôm nước này đã học được cách để cân bằng sản lượng với nhu cầu thị trường. Các báo cáo chính thức của Ấn Độ cho hay, trong năm 2012, Ấn Độ đã sản xuất 230.000 tấn TTCT và sản lượng sẽ tăng 1,5 lần trong năm nay. Tuy nhiên, sản lượng tôm sú thu hoạch lại giảm do sự đa dạng các đối tượng nuôi.
Thu hoạch và phân loại tôm thẻ chân trắng tại Thái Lan – Nguồn: Fishconsult.org
Giá tăng chóng mặt
Trên thị trường Mỹ, từ cuối tháng 12/2012, giá tôm sú và TTCT đã tăng đáng kể và tiếp tục tăng trong nửa đầu năm 2013. Thời gian này, giá tôm sú tăng 15,6 %, từ 14,2 USD/kg (tháng 1/2013) lên 16,4 USD/kg (tháng 7/2013). Giá TTCT trên cũng tăng 13%, từ 4,10 USD/kg lên 4,65 USD/kg.
Tại thị trường Nhật Bản, báo cáo của FIS cho thấy, nhu cầu tôm tại Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2013 khá thấp; tuy nhiên, giá tôm tại đây lại tăng cao do thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng. Nhập khẩu tôm vào Nhật Bản từ Ấn Độ và Việt Nam (hai nhà cung cấp tôm chính cho Nhật Bản) bị kiềm chế do rào cản Ethoxyquin, trong khi nguồn cung tôm của Thái Lan bị giảm trầm trọng bởi EMS. Indonesia và Argentina đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Nhật Bản, nhưng vẫn không bù đắp được sự thiếu hụt nguồn cung cấp tôm từ các nhà cung cấp khác.
Theo đó, đã có sự gia tăng mạnh trong giá tôm sú và TTCT. Giá tôm từ Ấn Độ hầu hết tăng khoảng 5 USD/kg, từ mức 11,03 USD/kg lên 15,95 USD/kg. Giá tôm từ Indonesia tăng khoảng 3 USD/kg. 6 tháng đầu năm 2013, tại Nhật Bản, giá TTCT Indonesia được báo cáo là tăng đáng kể. Sản phẩm tôm HLSO cỡ 16/20 tăng khoảng 1,8 USD/kg, từ 11,32 USD/kg lên 13,1 USD/kg.
Thiếu tôm nguyên liệu
Sự thiếu hụt nguồn cung bất thường trong mùa cao điểm ở châu Á, cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro kéo dài, sự suy yếu của đồng Yên, phán quyết về thuế chống trợ cấp của Mỹ…, tất cả hợp lại khiến ngành thương mại tôm quốc tế phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến diễn ra khắp nơi, đẩy giá tôm lên mức cao trên toàn cầu.
Một vài dự báo của Thái Lan cho biết, Thái Lan có khả năng sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu tôm nguyên liệu cho ngành chế biến. Để tháo gỡ khó khăn này, Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan cho hay, các công ty nước này đang xem xét nhập khẩu tôm và các sản phẩm đông lạnh liên quan từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam.
Còn tại Việt Nam, khan hiếm tôm nguyên liệu là căn bệnh trầm kha của nhiều doanh nghiệp lâu nay. Nếu trước đây chỉ thiếu tôm nguyên liệu trong 2 – 3 tháng, thời gian còn lại thì dồi dào nên các nhà máy hoạt động liên tục, lợi nhuận kiếm được khá dễ dàng thì vài năm gần đây việc thiếu nguyên liệu kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5 khiến nhà máy hoạt động không hiệu quả. Trong năm chỉ tháng 8 và 9 có nguyên liệu dồi dào nên khó bù lại quãng thời gian hoạt động cầm chừng.
Trước tình hình hiện nay, các chuyên gia cho rằng Ecuador và Ấn Độ đang hưởng lợi lớn, bởi họ chưa bị ảnh hưởng bởi dịch EMS. Các nhà máy chế biến tôm ở châu Á đang phải phụ thuộc nguồn tôm nhập khẩu từ Ấn Độ để thực hiện các hợp đồng họ đã ký với khách hàng châu Âu và Mỹ.
>> Theo ước tính của Liên minh Nuôi trồng Thủy sản toàn cầu (GAA), thiệt hại do dịch bệnh EMS đối với ngành nuôi tôm châu Á (nơi có khoảng 1 triệu người vẫn sống phụ thuộc nghề nuôi trồng thủy sản) có thể lên đến 1 tỷ USD/năm. |