Trong những năm qua, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ.
Ngư dân huyện Lý Sơn khai thác hiệu quả ngay trong vùng biển của tổ quốc
Tuy nhiên, từ cuối năm 2015 đến nay, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm gia tăng trở lại và diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Ngãi, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam, tác động đến việc xuất khẩu thủy sản đi các nước.
Nhiều nước đã lên tiếng, nếu Việt Nam không chứng minh được xuất xứ sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu, hàm ý việc ngư dân Việt Nam vi phạm ngư trường khai thác, đánh bắt ở vùng biển các nước thì rất có thể, họ sẽ có biện pháp hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu sản phẩm thủy sản của nước ta. Điều này không có gì lạ, bởi với lâm sản xuất khẩu việc truy xuất nguồn gốc gỗ đã được thực hiện từ nhiều năm qua.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, trong năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, việc tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm. Đã phát hiện 42 vụ/42 tàu cá, chủ yếu là tàu cá và ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Hải (huyện Lý Sơn). Trong đó, có một số vụ bị các nước ngăn chặn, bắt, xử lý bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả hủy tàu…
Ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng tình trạng tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Do lợi nhuận quá cao khi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài nên ngư dân bất chấp qui định pháp luật.
Để ngăn chặn, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết một số việc cấp bách. Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PTNT trình Chính phủ Chương trình hành động quốc gia về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing).
Rà soát, sửa đổi các chính sách hiện hành, các quy định để siết chặt công tác quản lý; bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với chủ tàu, thuyền trưởng và tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; tăng cường thực thi pháp luật trong quản lý khai thác thủy sản để ngăn chặn, giảm thiểu tàu cá và ngư dân vi phạm…
Ông Phùng Đình Toàn cho biết, hàng năm, Quảng Ngãi tổ chức 10 – 12 lớp tập huấn và phối hợp với Cục Đăng kiểm (Bộ GT-VT) tổ chức 2 – 4 lớp về tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, về đăng ký đăng kiểm, quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với 500 – 700 lượt ngư dân tham dự. Việc tàu cá và ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) thường xuyên vi phạm với số lượng lớn, nên Trạm Biên phòng cửa biển Sa Kỳ yêu cầu ngư dân ký cam kết không tái phạm.
>> UBND tỉnh Quảng Ngãi có Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 27/01/2015 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, nhưng hiện nay công tác đấu tranh, xử lý còn gặp nhiều khó khăn, tính răn đe chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành vi vi phạm, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, đời sống ngư dân, xâm hại, tác động xấu đến công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và thị trường xuất khẩu thủy sản của nước ta. |