Chưa năm nào ngành thủy hải sản tại khu vực miền Tây Nam bộ lại rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất như hiện nay.
Ao nuôi liên tục lỗ vốn, lãi vay ngân hàng khó trả, vốn vay mới khó tiếp cận, giá bán sản phẩm liên tục giảm, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị cắt đã làm cho cả người nuôi trồng lẫn doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đứng ngồi không yên.Vào thời điểm hiện tại, tôm sú loại 20 con/kg giá 210.000 đồng/kg; loại 30 con/kg là 135.000 đồng/kg; loại 40 con/kg 120.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng 80.000 đồng/kg loại 100 con/kg. So với đầu tháng 9, giá tôm đã tăng 8.000-15.000 đồng/kg. Tuy giá tôm có tăng lên nhưng do tôm bị dịch bệnh nhiều và chi phí nuôi thả tăng mạnh khiến người nuôi không có lãi, thậm chí lỗ. Đơn cử như tỉnh Tiền Giang có 830,68 ha tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại do dịch bệnh, chiếm 32% tổng diện tích thả tôm nuôi theo hình thức này. Theo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh trên tôm làm thiệt hại bình quân khoảng 100 triệu đồng/hecta.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tháng 8-2012, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm 16,6%, nguyên nhân chính là do rào cản Ethoxyquin tại thị trường nhập khẩu của Nhật Bản. Tính đến nửa đầu tháng 9-2012, tôm chân trắng xuất khẩu sang thị trường Nhật tiếp tục giảm 22,05%; trong đó tôm sú giảm 1,2%, các loại tôm khác giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Do “đầu ra” khó khăn, đã gây cho 70% nhà máy chế biến tôm tại miền Tây Nam bộ thu hẹp sản xuất, nguyên nhân là do sợ mua tôm nguyên liệu nuôi theo phương thức công nghiệp bị nhiễm Ethoxyquin.
Mặc dù Chính phủ đang triển khai gói 9.000 tỷ đồng để hỗ trợ người nuôi, chế biến cá tra với lãi suất ưu đãi 11%/năm, nhưng trên thực tế hiện rất ít nông dân ở miền Tây Nam Bộ được vay từ nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, phường Thới An, huyện Ô Môn, TP. Cần Thơ nuôi 20 ha cá tra đang mong vốn rẻ từ chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa tiếp cận được. Hiện ông Hải đang vay 3 tỷ đồng từ Ngân hàng NN&PTNT với lãi suất 14,5%/năm bằng việc thế chấp 30 ha đất của gia đình. Ông Hải cho biết, chờ đợi mỏi mòn cũng chẳng thấy gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng ở đâu(?). Nếu được vay với lãi suất ưu đãi 11%/năm nông dân sẽ bớt khó khăn, đặc biệt là trong điều kiện giá cá tra nguyên liệu liên tục giảm như hiện nay.
Giá cá tra ở miền Tây Nam Bộ hiện dao động từ 21.000- 22.000 đồng/kg (loại 0,8kg/con), với giá này người nuôi lỗ 2.000- 3.000 đồng/kg. Nếu cá tra quá lứa (trên 1kg/con) giá dưới 20.000 đồng/kg nên lỗ càng nặng hơn. Khó khăn này khiến cho nhiều hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ đang cần vốn rẻ như trời hạn cần mưa.
Chủ trương cho vay vốn đã có, ngân hàng đang sẵn tiền, nhưng nông dân khó tiếp cận vốn rẻ vì sao? Ông Nguyễn Nam Hải, một chủ ao nuôi cá ở Cần Thơ cho biết là do nhiều người không có phương án khả thi. Điều kiện cần để ngân hàng cho vay là tài sản thế chấp nhưng tài sản thế chấp chủ yếu là đất mà đất thì vay chả được bao nhiều.
Ông Võ Văn Nhựt, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đang nuôi 4 ao cá tra bức xúc, nếu vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng thủ tục nhiêu khê, thậm chí tốn cả phí “bôi trơn” thì thà vay vốn với lãi suất cao còn giải quyết được nhanh và hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Khắc Phục, ở thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang làm hồ sơ để vay 3 tỷ đồng bằng việc thế chấp 4 ha đất ao nuôi cá tra và tài sản nhà đất với lãi suất ưu đãi 11%/năm. Hiện ông Phục còn khoảng 1.000 tấn cá tra chuẩn bị xuất bán vào cuối tháng 10.2012, nếu vay được vốn ưu đãi ông sẽ có tiền mua thức ăn, cầm cự được trong điều kiện giá cá liên tục sụt giảm.
Tại tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 8.2012 tổng dư nợ cho vay nuôi, chế biến cá tra khoảng 4.900 tỷ đồng, tăng 111 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp cho biết, gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng cho hộ nuôi cá tra và DN thật ra không có bao nhiêu nông dân được thụ hưởng. Bởi vì phân bổ ra toàn vùng có rất nhiều hộ nuôi cá tra, nhiều DN chế biến…
Và như vậy cả người nuôi và DN xuất khẩu thực sự vẫn chưa có lối thóat nào khả thi trước những khó khăn trên.