T2, 06/07/2020 11:47

Ngành tôm 2015: Đa dạng hóa phân khúc thị trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành tôm năm 2015 gặp nhiều thách thức về giá cả, thị trường. Phóng viên TSVN đã phỏng vấn ông Ngô Quốc Tuấn (ảnh), Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến thủy sản Quốc Việt (một doanh nghiệp đã nhiều năm xuất khẩu sang các thị trường lớn) về hướng đi cần thiết hiện nay.

Ông đánh giá thế nào về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành thủy sản Việt Nam thời điểm này?

Năm 2013, nửa đầu năm giá giảm, cuối năm giá tăng chóng mặt do nguồn cung cấp tôm giảm. Giá cao, nhưng các doanh nghiệp vẫn bị lỗ do không có đủ tôm xuất cho khách hàng. Năm 2014, các doanh nghiệp vẫn khó khăn vì tiếp tục không có tôm xuất bán cho khách hàng. Cuối năm 2014 thì tôm nguyên liệu phục hồi, giá tốt. Các nhà nhập khẩu ở những thị trường lớn tăng cường nhập tôm, trữ tôm, vì họ cũng sợ thiếu hàng như năm 2013. Kết quả dẫn đến việc sang năm 2015 hàng tồn rất nhiều. Cộng với việc tỷ giá USD tăng cao so với các đồng tiền khác, các thị trường nhập khẩu gặp khó trừ Mỹ. Tin tức đưa ra là các nước phục hồi sản xuất trong năm 2015 nên giá tôm giảm do người ta bán hàng dự trữ ra nhiều và điều này dẫn đến khó khăn về giá.

 

Nhiều ý kiến dự đoán cuối năm tình hình tiêu thụ và giá sẽ tốt hơn. Ông nhận định thế nào?

Năm nào thì 6 tháng cuối năm tiêu thụ tôm cũng nhiều hơn đầu năm. Riêng năm nay thì có khác, diễn biến có thể khó lường hơn. Hiện, giá tôm trên thị trường thấp hơn chi phí nuôi. Tuy nhiên nếu nhu cầu thị trường lớn như Mỹ tăng, nhà nhập khẩu thu mua tôm, giá tôm sẽ tăng mạnh.

 

Ông nhìn nhận ra sao về mặt hàng tôm Việt Nam những năm qua?

Tôm Việt Nam đang nằm ở phân khúc giữa của thị trường, giá không phải ở mức cao nhưng cũng không phải phân khúc tôm giá rẻ. Tình hình này đã diễn ra nhiều năm và hiệu quả không mấy khả quan. Theo tôi, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư trang thiết bị đạt tiêu chuẩn cao đối với khu vực, châu lục, đủ sức cạnh tranh với các nước hàng đầu trong khu vực. Đầu tư nhiều, tốn kém, nhưng có được các khách hàng lớn, sẽ trang trải được chi phí. Cạnh tranh phân khúc giá rẻ không phải hạ chất lượng xuống mà là hạ giá thành. Ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí thức ăn và giảm giá tôm để tiêu thụ ở những thị trường dễ tính.

Chế biến tôm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Chế biến thủy sản Quốc Việt – Ảnh: Huỳnh Lâm

 

Theo ông, việc nới rộng biên độ tỷ giá ngoại tệ vừa qua ảnh hưởng đến ngành tôm nhiều không?

Nới rộng biên độ tỷ giá giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn trước mắt, song so với sự giảm giá của các đồng ngoại tệ thì vẫn còn xa. Tôi đã trao đổi với các khách hàng nước ngoài là giá tôm Việt Nam đang giảm ở mức rất tốt, mua đi, không mua sau này tăng đấy. Nhưng họ nói giá tôm Việt Nam giảm 20% trong khi đồng tiền của họ cũng giảm giá 20% nên họ chẳng thấy có thay đổi gì.

 

Về thị trường Trung Quốc và thị trường khó tính thì sao, thưa ông?

Thị trường Trung Quốc rất lớn, dễ bán với số lượng lớn, nhưng có đảm bảo được thanh toán ổn định không là vấn đề Việt Nam quan tâm. Hàng Việt Nam có chất lượng tốt, các chuỗi nhà hàng Trung Quốc đánh giá cao. Các doanh nghiệp Việt Nam dè dặt với các đối tác này chỉ vì việc thanh toán cũng như việc giữ chữ tín trong hợp đồng.  

Các nước phát triển dựng hàng rào gây khó cho tôm Việt Nam, đó là ý kiến một số người làm xuất khẩu…

Theo tôi, các hàng rào dựng ra để bảo vệ sản xuất trong nước của họ, nhưng phần lớn các nước không sản xuất cùng ngành hàng với mình thì họ dựng lên là chỉ để bảo vệ người tiêu dùng. Họ đưa tiêu chuẩn cao quá, trách nhiệm của các cơ quan là đàm phán để đưa ra tiêu chuẩn hợp lý. Một số nước như Ấn Độ, Thái Lan thì biết trước, can thiệp kịp thời. Đa số các công ty Việt Nam thì bị động, hàng bị trả về mới biết không đảm bảo tiêu chuẩn của họ.

Mỹ chống bán phá giá thì đó là rào cản, vì họ bảo vệ người nuôi tôm, dù tôm Mỹ cung cấp thị trường rất ít, nhưng họ biết cách quan tâm bảo vệ người nuôi tôm hơn so với ta. Ta cần có sự hợp tác với các cơ quan luật pháp ở Mỹ, vì nước Mỹ hoạt động theo luật, chỉ có thể dùng luật để làm việc. Các công ty luật sẽ tìm hiểu xem việc áp thuế có công bằng hay không, hợp lý chưa, tác hại thế nào. 

 

Ông đánh giá thế nào về tôm sú và tôm thẻ chân trắng?

Cả hai loại này đều quý. Mấy năm gần đây người tiêu dùng ăn tôm thẻ quen rồi. Họ cũng đưa ra quy trình sản xuất, bao bì vào hợp đồng, họ không muốn thay đổi nữa. Tôm sú mình cần tăng sức cạnh tranh mới tồn tại được.

 

Ông có thể cho biết chiến lược của Công ty Quốc Việt thời gian tới?

Riêng hai năm 2013 – 2014, công ty chúng tôi đầu tư hơn 17 triệu USD để hiện đại hóa sản phẩm; Các dây chuyền mới 100% để tăng năng suất, hạ giá thành, tăng sản lượng. Chúng tôi đầu tư như vậy là để đáp ứng yêu cầu của các khách hàng lớn. Bên cạnh đó, Công ty nâng cấp vùng nuôi đạt đẳng cấp hàng đầu châu Á.

Hiện tại, công ty chúng tôi cũng như nhiều công ty khác đang đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và hiện đại hóa nhà máy để nâng cao giá bán và hiệu quả kinh tế.

Trần Nguyễn (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!