(TSVN) – Sau khi lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 4,3 tỷ USD năm qua, bước vào mùa vụ năm 2023, ngành tôm phấn đấu duy trì phong độ nuôi trồng và xuất khẩu vốn có. Tuy nhiên, với năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn thì đây được xem là nhiệm vụ rất nặng nề, cần có sự nỗ lực, quyết tâm cao của các đơn vị và địa phương để đảm bảo vụ nuôi thành công, tạo nguồn nguyên liệu giúp các doanh nghiệp chủ động trong chế biến, xuất khẩu.
Ngày 3/3, tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2023. Hội nghị nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành, kết quả sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2022 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ phát triển sản xuất, tiêu thụ tôm nước lợ năm 2023.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2022 dù vẫn là năm hết sức khó khăn, nhưng sản lượng nuôi tôm nước lợ các loại đạt 1.080,6 nghìn tấn (tăng 8,5% so năm 2021), trong đó sản lượng tôm sú đạt 271,4 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng đạt hơn 743,5 nghìn tấn, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác). Theo đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,3 tỷ USD (tăng 11,2% so năm 2021).
Số liệu: Tổng cục Thủy sản. Đồ họa: Phạm Dương
Năm 2023, ngành hàng tôm Việt Nam vẫn đề ra mục tiêu: Sản lượng tôm các loại đạt 1.080 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt con số trên 4,3 tỷ USD, một con số rất cao trong bối cảnh dự báo thị trường có nhiều khó khăn, trước hêt là sự biến đổi khí hậu, tình trạng lạm phát, giá cả tăng cao.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành NN&PTNT đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023; trong đó, chú trọng công tác quản lý giống; quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh; ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Chú trọng tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam…
Tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương đặc biệt quan tâm nhiều đến tình hình chi phí đầu vào liên tục tăng cao, chất lượng con giống chưa được kiểm soát tốt, tỷ lệ tôm nuôi thành công thấp… Liên quan đến chi phí đầu vào, ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, thông tin: “Chỉ riêng giá thức ăn của Việt Nam cao gần gấp 2 lần của Ecuador và 1,5 lần so với Ấn Độ. Nguyên nhân là do người nuôi thiếu vốn, nên chỉ cần người nuôi tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thì chi phí đầu vào sẽ giảm ít nhất cũng từ 15 – 20%”. Ông Huy cũng kiến nghị cần xây dựng trang thiết bị tiêu chuẩn cơ sở nuôi để ngân hàng yên tâm lấy đó làm căn cứ thẩm định khi cho vay vốn sản xuất.
Trao đổi về nguyên nhân khiến giá thành tôm nuôi cao, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, giá thành tôm nuôi của chúng ta cao không chỉ do chi phí đầu vào mà còn do tỷ lệ tôm nuôi thành công rất thấp. Ngoài ra,Việt Nam chưa có đủ con giống sạch bệnh và kháng bệnh. “Con giống quyết định trên 60% tỷ lệ nuôi thành công, nên vấn đề hiện nay là làm sao có được con giống kháng bệnh, chứ không chỉ có mỗi con giống sạch bệnh để đáp ứng nhu cầu cho tất cả các mô hình nuôi”, ông Quang đề xuất.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng không thể để những khó khăn vướng mắc lặp đi, lặp lại năm này qua năm khác, mà cần làm rõ thực trạng, đưa ra giải pháp cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, có hiệu quả, đặc biệt là vấn đề chất lượng, giá cả con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh…
An Xuyên