Ngành tôm thế giới năm 2022 – Triển vọng tươi sáng, tín hiệu lạc quan

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sản lượng tôm toàn cầu tiếp tục tăng, Ecuador vượt Ấn Độ để trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới cả về khối lượng và giá trị, giá tôm dự kiến giảm do nguồn cung dồi dào… là những dự báo được đưa ra cho ngành tôm thế giới năm 2022.

Tăng trưởng về sản lượng

Sản lượng tôm toàn cầu năm 2021 dự kiến sẽ tăng 8,9% so năm 2020, trong khi mức tăng trưởng được dự báo cho năm 2022 là hơn 5%, cho thấy một triển vọng tích cực đối với ngành tôm trên toàn thế giới. Dự báo này được các tác giả của Khảo sát và Dự báo sản lượng NTTS toàn cầu đưa ra, dựa trên thông tin ngành và kết quả của một cuộc khảo sát do Liên minh Thủy sản Toàn cầu thực hiện và trình bày tại Hội nghị GOAL ngày 17/11/2021.

Mức tăng trưởng sản lượng tôm diễn ra trong năm 2021 thậm chí được ghi nhận có thể lên tới 10%, nhờ kết quả hoạt động cuối năm mạnh mẽ từ Ecuador – một phần là do ngành tôm nước này phục hồi sau khi tăng trưởng bị kìm hãm trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mức tăng trưởng về cơ bản vẫn cao hơn đáng kể so tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) khoảng 4%, mức đã từng đạt được trong thập kỷ kết thúc vào năm 2020.

Theo nhà phân tích thủy sản Gorjan Nikolik của Rabobank, mức tăng trưởng sản lượng tôm dự báo trong năm 2021 khá ấn tượng vì diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 rất phức tạp. Hầu hết trên toàn thể giới đều phải đối mặt với kiểm soát dịch bệnh, thiếu lao động tại các nhà máy chế biến, vấn đề về logistics chưa từng có trước đây. Bên cạnh đó, còn có các vấn đề khác về thời tiết như bão, lũ lụt ở Ấn Độ; chi phí thức ăn cao; có những thời điểm khan hiếm nguồn tôm giống và tôm bố mẹ. Chính vì vậy, sự tăng trưởng sản lượng gần 10% là một kết quả thực sự đáng kinh ngạc mà ngành tôm toàn cầu đã đạt được.

Nguồn: Rabobank

 

Bước đột phá của Ecuador

Theo khảo sát của GOAL, sản lượng tôm của Ecuador dự kiến đạt 940.000 tấn tôm trong năm 2021 với giá trị xuất khẩu ước đạt 4,6 tỷ USD. Nước này có thể vượt qua Ấn Độ – nguồn cung tôm lớn nhất thế giới trước khi dịch COVID-19 xảy ra cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu trong năm 2021. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2022.

Riêng với xuất khẩu tôm thịt của Ecuador, doanh số dự kiến tăng lên hơn 240.000 tấn năm 2021, so 130.000 tấn trong năm 2019 và dự kiến chiếm 20 – 25% tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu của Ecuador trong năm 2022. Các nhà máy chế biến của Ecuador đang tập trung tăng công suất để sản xuất khối lượng lớn tôm thịt đông lạnh đóng gói 1 kg hoặc 1 pound, tùy theo thị trường để tiếp cận các khách hàng mới trong phân khúc bán lẻ.

Ông Angel Rubio, một nhà phân tích cộng tác với Urner Barry cho biết, các sản phẩm tôm của Ecuador, gồm cả tôm thịt, hiện xâm nhập thị trường Mỹ với giá cạnh tranh và có lợi thế về logistics, vận tải so với tôm từ các nhà cung cấp châu Á. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu của Mỹ vẫn có chút do dự khi nhập khẩu khối lượng lớn tôm thịt của Ecuador vì nó vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ tại thị trường Mỹ. Ecuador đang cân nhắc có nên đầu tư công suất lớn hơn để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng vì chưa đánh giá được khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp châu Á, ít nhất trong ngắn hạn.

Cũng theo GOAL, sản lượng tôm của Ấn Độ có thể đạt 700.000 tấn trong năm 2021, tăng 6,1% so năm 2020. Đối với Trung Quốc, dự kiến sản lượng tôm tăng 9,1%. Mức tăng tương tự được dự kiến đối với năm 2022 với sản lượng đạt khoảng 600.000 tấn. Sản lượng tôm của Thái Lan có thể đạt 400.000 tấn trong năm 2021. Tuy nhiên, dựa trên số liệu gần đây nhất, sản lượng tôm của nước này có thể chỉ đạt 320.000 – 325.000 tấn.

Ảnh: TFS

 

Thuận lợi và thách thức

Quy mô thị trường tôm toàn cầu được định giá 31,6 tỷ USD năm 2019 và ước tính đạt 54,6 tỷ USD vào năm 2027, đạt tốc độ CAGR là 9,2% từ năm 2021 – 2027.

Sự tăng trưởng của thị trường tôm toàn cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng về nhu cầu của những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. Điều này được cho là vì tôm có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng chất béo thấp, không chứa carbs và ít calo.

Một phương pháp sản xuất tôm mới đang được đưa ra vì sự bền vững hơn ở Mỹ, Thái Lan và các quốc gia khác, nơi nuôi tôm công nghiệp đang được phát triển mạnh. Đây được gọi là phương pháp tiếp cận “hệ thống sản xuất khép kín”. Kỹ thuật sản xuất này tái chế nước ao và loại bỏ các chất độc hại trong nước, có hại cho việc nuôi tôm. Do đó, việc tăng cường áp dụng các kỹ thuật sản xuất thân thiện với môi trường mới được kỳ vọng sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Tuy nhiên, việc thiếu nguyên liệu thức ăn thủy sản sẽ là cản trở sự tăng trưởng của thị trường tôm. Hơn nữa, chi phí vận hành sản xuất tôm cao cũng là một trong những yếu tố kìm hãm tăng trưởng chính của thị trường toàn cầu.

 

Một số nhận định trong báo cáo của Rabobank:

- Ấn Độ khó có khả năng phục hồi trở lại mức sản xuất trước đại dịch cho đến năm 2023.

- Số liệu chính thức của Trung Quốc bị thổi phồng quá mức, con số thực tế có thể ít hơn 4 lần.

- Indonesia dường như cũng đánh giá quá cao các số liệu chính thức của mình - nhưng không đáng kể.

- Brazil có mức tăng trưởng ấn tượng nhất (23,8%) trong năm 2021.

- Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 12,8%.

- Giá thị trường với sản phẩm tôm dự kiến giảm trong năm 2022 do sản lượng tăng và những hạn chế để phòng đại dịch COVID-19.

Phương Ngọc

Theo Thefishsite, Globenewswire

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!