Mới đây, tại xã Quỳnh Long (huyện Quỳnh Lưu) đã diễn ra lễ thả 86 rạn nhân tạo nhằm bổ sung nơi cư trú cho cá và một số loài hải sản khác.
Việc thả rạn do Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Nghệ An phối hợp với Sở NN&PTNT, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tổ chức.
Rạn nhân tạo là các nhóm, tập hợp bất kỳ các chất, vật liệu được thả xuống đáy biển. Tại những nơi khai thác quá mức, rạn nhân tạo là một trong những biện pháp được thực hiện nhằm ngăn ngừa và hạn chế các phương tiện đánh bắt vùng gần bờ đã phá hoại hệ sinh thái như lưới rê, lưới kéo, lưới vây. Sản lượng khai thác cá bình quân trong một năm tại một số rạn nhân tạo cao hơn rõ rệt so với các rạn tự nhiên hoặc trong các rạn san hô. Tuy nhiên, việc thiết lập các rạn nhân tạo có chi phí cao so với việc khoanh vùng bảo vệ tạo ra các khu dự trữ, bảo tồn biển.
Việc thả rạn nhân tạo là một hướng đi mới, nhằm bảo vệ và phục hồi nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, việc thả rạn nhân tạo ở Việt Nam mới chỉ thực hiện mang tính thăm dò trong thời gian ngắn, với quy mô nhỏ và tập trung chủ yếu vào việc thử nghiệm phục hồi quần xã san hô, chưa thực sự quan tâm đến việc phục hồi và tăng cường các nguồn lợi sinh vật biển khác.