T2, 06/07/2020 11:03

Nghệ An: Xôn xao cảng cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Thành công mỗi chuyến biển của ngư dân bây giờ có phần không nhỏ từ công tác dịch vụ phía bờ. Điều vận bốc dỡ hải sản và cung ứng hậu cần một cách nhanh nhất cho các tàu cá là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các cảng cá. Cảng cá Cửa Hội, thì đã làm được hơn thế…

Cơn mưa ngày qua khiến cho Cảng cá Cửa Hội có vẻ sạch sẽ, “tinh tươm” hơn. Nắng xế chiều tóa xuống nền bê tông nóng rát. Cầu cảng giờ này đang vắng, mấy chiếc tàu cá có lẽ vừa về đêm qua đang nằm chờ theo dõi thông tin siêu bão Rammasunm đang mạnh dần lên ngoài khơi xa Biển Đông. Đội nắng chờ người ra chuyển hàng hải sản vừa thu mua đã đóng thùng xốp cẩn thận. Chị Nhung, người phường Nghi Hải, chuyên thu mua cá ở đây, nói: “Đêm nay tàu gọi sẽ về chỉ vài ba chiếc, đêm mai chắc tàu về sẽ kín bến cảng. Một số tàu tỉnh ngoài thì đã tranh thủ chạy về quê rồi”. – Thu mua được nhiều cá không chị? “Tôi là “nậu” nhỏ, ngày dăm bảy tạ cá thôi, mấy cơ sở trong cảng mới nhiều” – Chị Nhung cho biết rồi khoát tay chỉ lên mấy ngôi nhà trưng biển chuyên thu mua hải sản xây dựng khang trang ven lối đường chính vào cảng.

Thu mua hải sản ở Cảng cá Cửa Hội chủ yếu là dân phường Nghi Hải (Cửa Lò). Nguyễn Khắc Hiến, sinh năm 1970, chung vốn cùng Nguyễn Đình Lợi mở cơ sở thu mua hải sản “Hiến Lợi” trong cảng 3 năm nay, có kho cấp đông 6 tấn.  Có lẽ, trong số 5 cảng cá của Nghệ An hiện nay, chỉ Cảng cá Cửa Hội mới có cơ sở thu mua quy mô xây dựng ngay trong cảng như thế này. Hiện cảng đang cho phép tư nhân xây dựng thêm một cơ sở nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm đánh bắt.

Ban Quản lý cảng cá Nghệ An có trụ sở đóng ngay trong Cảng cá Cửa Hội. Với nguồn kinh phí được cấp còn hạn hẹp, vừa qua đơn vị cũng đã đầu tư sửa chữa một phần cơ sở vật chất, mà theo Giám đốc ban – ông Nguyễn Hữu Thọ, đó cũng là một việc làm cần thiết để từng bước phục vụ chiến lược tăng năng lực hoạt động cho các cảng cá (toàn tỉnh hiện có 4 cảng cá: Cửa Hội; Lạch Vạn – Diễn Châu; Nam Lạch Quèn và Bắc Lạch Quèn – Quỳnh Lưu). Việc xây dựng và nâng cao năng lực hoạt động tại các cảng cá đang là nhận thức mới, được coi là góp phần quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm cho ngư dân bằng tổ chức cho bốc dỡ nhanh hải sản đảm bảo tươi ngon, và kịp thời cung cấp các dịch vụ hậu cần nhằm để ngư dân tăng hiệu suất vươn khơi. Ông Thọ cho biết thêm, thời gian qua, ban quản lý đã nỗ lực đưa hoạt dộng của Cảng cá Cửa Hội đi vào nề nếp, hiệu quả hơn để thực sự là hậu phương vững chắc cho ngư dân vươn khơi và xứng tầm cảng cá loại 1, là 1 trong 10 cảng cá được xây dựng đầu tiên của cả nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 1998.

Chiều cửa biển thoắt âm u rồi lại rỡ nắng. Rộn ràng dần lên những tàu cá ra vào. Nhiều tàu cá Hà Tĩnh không cập bến cá Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) mà ghé vào bên này để “nạp” nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Thuyền viên trẻ Nguyễn Phương Đông của tàu cá HT 90159 Hà Tĩnh vừa khởi động máy, cho biết: “Tàu em vừa nạp 1000 lít dầu, 200 cây đá đủ cho chuyến biển ngắn để kịp về tránh bão. Đánh bắt khắp Vịnh Bắc bộ, ghé vào nhiều cảng, nhưng cập Cảng Cửa Hội vẫn thấy yên tâm nhất, anh ạ!”. Cảng cá Cửa Hội được coi là một trong những cảng cá được tàu cá ngư dân khai thác ngư trường Bắc bộ lựa chọn cập cảng nhiều lượt nhất, là nhờ phát triển các dịch vụ trên bờ và đảm bảo khá tốt an ninh trật tự.

Cá về trên cầu cảng Cửa Hội. 

Cá về trên cầu cảng Cửa Hội.

Chỉ với 100 mét cầu cảng, hàng ngày đón tới 40 – 50 tàu cá công suất 400 CV trở lên, nhiều nhất là tàu cá ngư dân Quảng Ngãi, sau đó đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Giám đốc Thọ hồ hởi: “Cũng là nhờ chủ trương xã hội hóa đầu tư trong các cảng cá. Người dân ngoài mạnh dạn đầu tư còn là rất năng động, mở mang dịch vụ đáp ứng cơ bản cho ngư dân đi biển”. Ông Nguyễn Văn Trung, cũng là người Nghi Hải, thuê mặt bằng của Cảng chỉ với phí 20.000đ/m2/năm, đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng cửa hàng kiêm kho chứa rộng 500m2, bán ngư lưới cụ, lương thực, thực phẩm lại thêm hàng cà phê. Hỏi chuyện làm ăn, ông bảo là dịch vụ hậu cần cho nghề cá kiếm tốt trong giai đoạn hiện nay.

Được kinh doanh dịch vụ ngay trong cảng, thuận lợi lớn còn nhờ ở tình hình an ninh trật tự, để gây dựng niềm tin gắn bó với người trên bờ và người đi biển. Làm dịch vụ hậu cần nghề biển đã 5 năm ở đây, ông Trung đã có nhiều tàu cá là “khách ruột”, nên đôi khi coi vui buồn với các chuyến biển của các ngư dân đã như là chuyện nhà mình! Giám đốc Thọ góp chuyện: “Khi xác định rõ vai trò của người ngư dân vươn khơi góp phần bảo vệ lãnh hải của Tổ quốc, thì người phía bờ cũng trách nhiệm hơn. Ngoài đội ngũ làm dịch vụ, thì bộ đội biên phòng Trạm Cửa Hội đã phối hợp rất tốt để đảm bảo ổn định trật tự trị an trong cảng mỗi khi tàu cá ngư dân về đông, tránh những tranh chấp neo đậu, mua bán, ảnh hưởng tâm lý bám biển của ngư dân khi về đây sau mỗi chuyến biển”. 

Chỉ 100 mét cầu cảng, đủ cho 5 tàu cập cảng 1 lần, mỗi lần chỉ riêng việc bốc dỡ hải sản cho 1 tàu đã mất  3 – 5 tiếng đồng hồ, chưa kể họ phải tiếp thêm nhiên liệu, nhu yếu phẩm; thì trung bình mỗi ngày đón 40 – 50 tàu cá về đang là quá tải đối với Cảng cá Cửa Hội. Lên kế hoạch điều vận 24/24h rồi, cảng còn phải xử lý rất nhiều sự việc nảy sinh trong điều kiện thiếu âu đỗ, nhà cho ngư dân trang sửa, vá lưới sau mỗi chuyến biển. Dự án nâng cấp cảng đã được tỉnh phê duyệt 3 năm nhưng chưa có kinh phí (80 tỷ đồng), đang đẩy hoạt động ở đây vào thế “khó xử”: càng tổ chức tốt dịch vụ trên bờ, có uy tín, tàu cá ngư dân về càng đông lại nảy sinh thêm nhiều phức tạp, nhiều khi ứng phó rất vất vả…

Vận dụng 2 dãy nhà cấp 4 nhỏ, Cảng cá Cửa Hội đã sửa chữa 8 căn phòng trọ cho ngư dân thuê, chủ yếu là ngư dân Quảng Ngãi. Nhiều cặp vợ chồng coi đây như là nhà, chỉ dịp tết nghỉ đi biển mới về quê. Trong căn phòng trọ nhỏ, chị Phạm Thị Kiềng, vợ của một chủ tàu cá Quảng Ngãi đang thủ thỉ chuyện trò cùng cô con gái, cởi mở: “Bố nó đang đi biển, con gái vừa tốt nghiệp đại học cũng ra đây ở với mẹ. Nhà cửa trong quê đàng hoàng, nhưng cuộc sống quanh năm đi biển của chồng buộc phải rày đây mai đó, tôi đi theo, mãi rồi chọn Cảng cá Cửa Hội làm nơi ở thường xuyên đã 4 năm rồi”. – Sao không chọn các cảng cá khác ven duyên hải Vịnh Bắc bộ để ở?. “Thi thoảng ghé vào các cảng cá khác như ở Thanh Hóa chẳng hạn… Nhưng chúng tôi chỉ thuê theo ngày. Ở đây thì coi như thuê cố định luôn. Tháng thuê hết 4 trăm nghìn đồng, còn được cảng bao luôn nước sạch.

Đi nhiều, ở nhiều nơi mới thấy, không đâu thuận tiện mua sắm và an toàn như ở đây!” – chị Kiềng khẳng định thế. Tôi quan sát, thấy các phòng trọ hầu hết được gắn điều hòa. Khu trọ đã là một xóm biển nhỏ đông vui rồi. Chàng thanh niên Phạm Cường cũng quê Quảng Ngãi, mở xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền ở đây 9 năm nay, đã đưa vợ con ra ở cùng, là thành viên của xóm trọ. Cường cười vui khoe: “Em có 3 thợ trả lương mỗi người 6 triệu đồng 1 tháng, năm em làm có lãi chừng một trăm triệu đồng. Con em đang học lớp 2 ở Trường Tiểu học Nghi Hải đấy. Dễ bọn em sẽ thành người Nghệ An luôn!”. Đoạn Cường ới vợ đưa ra con cá nhồng còn tươi rói, bảo: “Em biếu anh. Bà con ngư dân họ quý, đi biển về có con gì ngon là họ cho. Công việc dịch vụ cho nghề biển thì vô chừng. Nhưng riết rồi thì người trên bờ và người đi biển cứ như một nhà cả!”.

Rời xóm trọ ấm cúng khi ráng chiều nhạt dần trên bến cảng nhường cho ánh điện sáng dần lên. Gió cửa sông rời rợi. Đã lao xao tiếng người trong các quán cà phê. “Có vài tàu cá sắp về, anh nên gắng đợi. Vui lắm!”. Gặp lại tôi, chị Nhung khuyên thế. Nhâm nhi cà phê đợi. Đến chừng 7 giờ tối, chợt người ùa ra cầu cảng, phía cửa sông có 2 tàu cá sáng đèn phành phành lướt sóng về bến. Đi đầu là tàu QN – 97579. Vừa cập cảng, chủ tàu Phạm Thanh Thiệt – ngư dân Quảng Ngãi đã nhảy xuống oang oang chào hỏi mọi người.  – Chuyến này trúng chứ? Thiệt vừa nghe hỏi đã kéo tôi ngồi bệt xuống chạch bê tông, trò chuyện cứ như là người quen biết đã lâu: “Tàu em đi 5 ngày, đánh được khoảng 35 tấn. Chỉ cá man, cá nục thôi, nhưng bán cũng sẽ được chừng 260 triệu đồng. Chưa nhiều đâu anh, mấy chuyến trước em đi cũng 5 ngày, có chuyến trúng gần 50 tấn cá, còn nữa 40 tấn”. – Vậy chí phí có nhiều không? “Tàu em mỗi chuyến “nạp” 4.000 lít dầu, 700 cây đá. Nhu yếu phẩm nữa hết khoảng 130 triệu đồng, như thế chuyến được nhiều có lãi vài trăm triệu!”. – Giàu rồi còn gì. Thế dịch vụ mua bán hải sản, hậu cần ở đây thế nào? Thiệt cười sảng khoái: “Anh xem, hàng quán đủ cả đấy, rồi cây xăng nhà nước, tàu tiếp dầu tư nhân kia. Còn thu mua hải sản, chốc anh sẽ thấy, thoải mái lắm!”. 

Tiếng máy tàu cá rú lên háo hức, rồi giàn đèn công suất lớn bật sáng lóa cả cầu cảng. “Nậu” Hồ Bá Chiến là một tay thu mua hải sản lớn của Nghi Hải dẫn “quân” xuống bắt tay ngay vào bốc dỡ hải sản. Các xe đông lạnh trườn xuống tập kết vào vị trí. Chiến nói: “Chuyến biển này, tàu anh Thiệt bốc dỡ xong cũng phải đến 12 giờ đêm. Em cho phân loại luôn. Thứ mai vào chợ bến cá Hải Giang, thứ cho sang Cửa Lò, thứ lại cho ra Móng Cái xuất khẩu… “Nậu” và ngư dân làm ăn với nhau gần chục năm nay ở đây rồi, tin cậy nhau lắm. Làm ăn như em, không cần phải tranh chấp, cò kè bán mua làm gì. À, mà anh Thiệt cũng là cư dân xóm trọ của Cảng đấy!”. Nghe Chiến mách thế, Thiệt lại cười sảng khoái: “Em đánh ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, nhiều khi cũng tiện đâu ghé đấy. Khi Hải Phòng, lúc Thanh Hóa… Nhưng nếu gắng được là về đây, cứ như là về nhà. À, mà đúng là về nhà chứ, 2 vợ chồng em cũng thuê ở thường xuyên mấy năm rồi!”. 

Lại nghe phành phành thêm tàu cá nữa về cảng. Những chuyến biển vui của những ngư dân can trường bám biển ở muôn quê đã coi Cảng cá Cửa Hội như mái nhà ấm áp để trở về. Còn tôi, giờ mới cảm nhận được không khí cảng cá xôn xao, náo nức dường ấy, mà hiểu hơn ý nghĩ hậu phương nghề biển cho người ngư dân gắn bó khơi xa…

Đình Sâm

Báo Nghệ An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!