So với nhiều quốc gia ven biển trên thế giới, biển Việt Nam thuộc loại giàu và đẹp. Giàu nhờ “lợi thế tĩnh” từ thiên nhiên ban tặng, cung cấp nguồn vốn tự nhiên biển (marine natural asset) duy trì tăng trưởng xanh cho quốc gia và nguồn sinh kế cho các thế hệ.
Để những mẻ lưới đầy ắp cá, ngư dân phải được trang bị tốt, đội hình mạnh Ảnh: ST
Đẹp nhờ cảnh quan đa dạng, nhiều khu vực chứa đựng các giá trị độc đáo cấp toàn cầu (vịnh, đầm phá, bãi biển…). Nhận dạng đúng và đầy đủ tiềm năng, thay đổi nhận thức về phát triển sẽ giúp đất nước định hình chiến lược ra biển trong bối cảnh mới.
Nhận thức về tiềm năng
Biển nước ta có trên 3.000 đảo phân bố thành các tuyến, cụm và nhóm đảo án ngữ từ khơi xa (Hoàng Sa và Trường Sa) vào sát bờ, kèm theo các hệ sinh thái biển nhiệt đới điển hình (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn…), giàu đa dạng sinh học và đời sống hoang dã, tiềm năng bảo tồn ở mức cao. Các đảo cung cấp tiềm năng to lớn cho một ngành “kinh tế đảo” với lợi thế phát triển của du lịch biển đảo và nghề cá giải trí. Ở góc độ khác, đây cũng là những tuyến phòng thủ từ biển để bảo vệ đất nước.
Như vậy, tài nguyên đó là nền tảng cho phát triển một nền kinh tế biển toàn diện, lâu dài. Tuy nhiên, các giá trị tài nguyên biển chưa được nhận dạng đúng, đặc biệt giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái và giá trị không gian của vùng ven biển và đảo. Hoạt động khai thác biển, đảo vẫn chủ yếu khai thác “vốn có sẵn”, không hoặc ít tái tạo. Vì thế, bên cạnh việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng, tài nguyên biển nước ta đang bị bòn rút ở mức báo động.
Ở góc nhìn khác, ngành thủy sản đã đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu. Năm 2017, theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản hơn 7,28 triệu tấn; trong đó khai thác gần 3,42 triệu tấn, nuôi trồng trên 3,86 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản khoảng 8,37 tỷ USD. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức cả trong ngắn hạn và dài hạn. Nếu tình trạng như vậy không sớm khắc phục và giải quyết thì trữ lượng, sản lượng và hiệu quả nghề cá sẽ giảm dần.
Về nhận thức, lâu nay chúng ta chỉ nói về chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo mà ít nhắc đến chủ quyền đối với nguồn tài nguyên, nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Sau sự cố biển miền Trung và phán quyết của Tòa Trọng tài về Trung Quốc phá hủy các rạn san hô ở quần đảo Trường Sa gây thiệt hại cho nghề cá toàn Biển Đông, điều cần nhìn nhận là chúng ta đổ mồ hôi, xương máu để giành lấy chủ quyền biển, đảo và không thể dễ dàng đánh mất nguồn tài nguyên biển.
Nghề cá còn bấp bênh
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã khẳng định thủy sản là một trong 4 ngành kinh biển then chốt, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh. Thế nhưng, thực trạng nghề cá và ngư dân đang đứng trước nguy cơ “không có của ăn, của để”, cuộc sống của ngư dân bám “biển bạc” vẫn nghèo khó, biển vẫn “bạc” với họ.
Mỗi khi Biển Đông nổi sóng, mọi rủi ro (thiên tai và nhân tai) lại đổ dồn vào hàng triệu ngư dân Việt Nam, có những người sinh kế phụ thuộc vào “lộc biển”. Không gian nghề cá bị thu hẹp, hoạt động đánh bắt bình thường bị ngăn cản, tài sản bị thiệt hại và tính mạng ngư dân bị đe dọa. Chưa hết nỗi kinh hoàng cơn bão Chan Chu năm 2006, ngư dân lại phải đối mặt ngày càng nhiều với những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, rủi ro “nhân tai” từ những “cơn bão” tham vọng chủ quyền biển, đảo của nước lớn, của các thế lực cường quyền chính trị trong khu vực. Những “tàu lạ” đâm ngang thân tàu của ngư dân nước ta khi đánh cá ban đêm, những cuộc vây hãm ngay trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, những cớ va chạm “nghề nghiệp” của ngư dân các nước láng giềng, những tuyên bố đơn phương vùng cấm đánh cá trên Biển Đông, những rạn san hô giàu có bị nghiền thành cát để xây đảo nhân tạo. Ai cũng hiểu, chỉ một người cố tình không hiểu, cả thế giới hiểu nhưng chỉ có một quốc gia giả bộ không hiểu, vẫn cố tình xuyên tạc, cá lớn nuốt cá bé.
Về chủ quan, kinh tế biển nước ta, trong đó có nghề cá vẫn rời rạc, manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta tiếp tục bị “đầu độc” bởi các chất thải từ đất liền và những bất cập từ chính tác động của các ngành kinh tế biển. Trữ lượng hải sản ở Biển Đông nói chung và ở vùng biển nước ta nói riêng có chiều hướng giảm so trước năm 2010. Các khu bảo tồn biển thiết lập đã chục năm, trong lúc đang cố gắng quản lý sao cho hiệu quả, thì vẫn không ít người lăm le phá bớt. Cuối năm 2017, nỗi lo khác lại ập đến khi EU rút “thẻ vàng” cảnh báo nghề cá nước ta đánh bắt bất hợp pháp.
Đồng hành cùng ngư dân
Bảo vệ ngư dân, phát triển ngư nghiệp và gìn giữ ngư trường, hơn lúc nào hết, các lực lượng thi hành pháp luật trên biển phải tăng cường hỗ trợ ngư dân và bảo vệ nguồn lợi hải sản, bảo đảm cho ngư dân yên tâm bám biển. Tổ chức lại đội hình ra biển theo nguyên tắc: liên kết ra biển, liên hoàn hoạt động trên biển, liên thông thông tin khi có sự cố và liên tục bám biển.
Ngư dân cùng với kiểm ngư tạo thành đội hình ra biển với tâm thức mới, tư thế mới và có khả năng “tự chủ, tự quản, tự điều chỉnh, tự ứng phó” với thiên tai và nhân tai. Nhà nước có chính sách đặc thù để ngư dân bám biển, xây dựng và trang bị cho các cộng đồng ngư dân năng lực đủ mạnh để chuyển từ “đối phó bị động” sang “ứng phó chủ động” mọi tình huống trên biển.
Ngư dân bước chân xuống tàu là “cột chặt” cuộc đời với con tàu, sẵn sàng đón nhận các rủi ro. Biển lắm khi nghiệt ngã, chỉ sau mỗi chuyến biển trở về mới biết được hiệu quả đích thực. Đứng trước biển, ngư dân Việt Nam thể hiện bản lĩnh dũng cảm, dám mạo hiểm và mỗi khi đối mặt thử thách, tinh thần yêu nước trỗi dậy. Vì thế, tiếp cận “chủ quyền dân sự” thông qua hiện diện dân sự của ngư dân chính là đảm bảo các vùng biển nước ta luôn có chủ. Tổ quốc phải có nhân dân, biển đảo phải có ngư dân, đó là những nguyên tắc bất di bất dịch không được lơ là. Với hơn 130.000 tàu thuyền đánh cá mà 10% trong đó hàng ngày hiện diện trên các vùng biển, là lực lượng nòng cốt, không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ biển, đảo của đất nước.
Nghề cá có trách nhiệm
Có thể nói, sự thiếu vắng nghề cá có trách nhiệm (responsible fisheries), không duy trì được nguồn lợi thủy sản và không bảo vệ được môi trường sống của chúng sẽ không có nghề cá bền vững, ngư dân sẽ tiếp tục nghèo khó. Giải quyết thành công vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm của cả phía Nhà nước và ngư dân thông qua các cam kết cụ thể.
Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện cần thiết để ngư dân ra biển, như phát huy hoạt động của các quỹ nghề cá, quỹ hỗ trợ nhân đạo ngư dân. Cần sớm ban hành chính sách giải quyết đồng bộ ba vấn đề: ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường (Tam ngư). Không nên coi ba vấn đề đặc thù nghề cá quốc gia biển lại chỉ là một phần không đầy đủ của chính sách “Tam nông” hiện nay. Như thế mới phát huy được sức mạnh của ngư dân và nghề cá, bảo vệ được ngư trường và chủ quyền vùng biển.
Sinh kế của ngư dân bấp bênh nên họ đã thậm chí khai thác trong “vùng cấm” của các khu bảo tồn biển, khiến nguồn lợi tự nhiên cạn kiệt. Nguy hiểm hơn, tàu của ngư dân ta đánh bắt cá hợp pháp trên vùng biển truyền thống bao đời, nhưng lại bị các nước khác cho là đánh bắt cá bất hợp pháp trên vùng biển theo yêu sách phi lý của họ. Một “cuộc chiến nghề cá” vô hình đang diễn ra trên Biển Đông do nước lớn lợi dụng nghề cá và ngư dân để thực hiện tham vọng chủ quyền trên Biển Đông. Gần đây, để ngăn chặn tình trạng đánh cá bất hợp pháp (illegal fishing) và có thể là để ngăn chặn một “cuộc chiến nghề cá” do Trung Quốc phát động, các nước Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã thực thi các biện pháp cứng rắn, kể cả đánh chìm tàu cá nước ngoài.
Quốc hội nước ta vừa thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi), trong đó vị trí pháp lý của ngư dân, cơ chế, chính sách và chế độ đặc thù đối với ngư dân, hình thức tổ chức sản xuất và chống đánh bắt cá bất hợp pháp đã được làm rõ.
Năm mới 2018, để hái “lộc biển, lộc xuân” ngư dân ra khơi với tư thế mới, thực hiện lời dặn của Bác Hồ: Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ!
>> Hơn lúc nào hết, ngư dân ta xiết chặt đội ngũ, thực sự làm chủ vùng biển của Tổ quốc, làm chủ các nguồn lợi hải sản quý giá. Thông qua phương thức đồng quản lý, Nhà nước và ngư dân “cùng làm, cùng hưởng”, cùng bảo tồn thiên nhiên biển, ngăn ngừa đánh bắt cá bất hợp pháp, phát triển nghề cá có trách nhiệm, bền vững. |