Nghề câu mực ốc

Chưa có đánh giá về bài viết

Câu mực ốc là một nghề mới mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân khai thác ven bờ của tỉnh Cà Mau, nghề này không xâm hại môi trường biển.

Nghề câu mực ốc là sáng kiến “bắt mực tua” của ngư dân Kiên Giang du nhập sang ngư trường Cà Mau, được ngư dân ven biển ở các cửa biển sông Đốc (Trần Văn Thời), Cái Đôi Vàm (Phú Tân), Khánh Hội (U Minh) phát triển trong thời gian gần đây. Nghề này vốn đầu tư ít nhưng khá hiệu quả, thích hợp cho những tàu cá công suất nhỏ, không khả năng đánh bắt xa bờ và có thể thay thế một số nghề đánh bắt ven bờ hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Anh Lê Văn Thanh, xã Khánh Hội chia sẻ: Trước đây, anh làm nghề kéo lưới mực với cào. Tìm hiểu nghề câu mực ốc ở Kiên Giang thấy hiệu quả nên đã thử áp dụng thực hiện không ngờ nghề này rất phù hợp với ngư dân cửa biển Khánh Hội, ít tốn thời gian, dễ thực hiện mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, không tác động đến môi trường sống của các loài sinh vật biển khai khi khai thác.

Để câu được mực tua, ngư dân sử dụng một dây gường chính dài hàng trăm mét có cột phao ở hai đầu và theo chiều dài dây thả trên mặt biển, cách khoảng 1 m thả xuống 1 dây dài 0,5 m được nối chặt với miệng một vỏ ốc biển. Theo đó, mực tua râu ngắn chui vào vỏ ốc biển, nhưng không lùi ra được và cứ thế, ngư dân kéo vỏ ốc lên để bắt mực. Tùy khả năng vốn liếng, mà mỗi phương tiện của ngư dân đầu tư 5 – 10 dây cho đến hàng chục dây gường.

Mực sau khi được kéo lên cho vào túi nhựa, bơm ôxy để chúng sống lâu và cung cấp cho những quán ăn, nhà hàng thuỷ sản tươi sống. Bình quân 50.000 đồng/kg mực tươi sống được thương lái đặt hàng, sau một chuyến biển 2 – 3 ngày, trừ các khoản chi phí lợi nhuận thu về 7 – 10 triệu đồng.

Ông Phan Thế Ẩn, ngư dân hành nghề câu mực ốc ở ấp 4, xã Khánh Hội nói: “Cách khai thác này hiệu quả khá cao, vừa ít tốn công lại dễ thực hiện. Không mất công và tốn nhiều lao động như trước đây, mỗi sợi dây chính chỉ cần 2 người là được. Kể từ khi chuyển qua cách làm này, ghe của tôi với 3 sợi dây chính dài hơn 1.300 m, trung bình mỗi đêm thu hoạch từ 7 – 10 triệu đồng”.

Trước hiệu quả của nghề câu mực mới này, hiện nay nhiều ngư dân ở Cà Mau đang khẩn trương chuyển đổi sang nghề này thay cho nghề khai thác truyền thống. Trước đây, hầu hết tàu khai thác gần bờ của ngư dân ven biển của Cà Mau đều hành nghề cào và kéo lưới mực, không chỉ khai thác kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ hủy diệt nguồn lợi thủy sản.Tuy nhiên, nghề câu mực ốc phát triển tự phát ở Cà Mau, chưa có sự quản lý, kiểm soát và đầu tư, hướng dẫn ngư dân khai thác hợp lý của ngành chức năng. Trong khi đó, nghề này vốn đầu tư ít, gần như không xâm hại, tác động đến môi trường và có khả năng giúp ngư dân chuyển đổi nghề đánh bắt ven bờ gây suy kiệt nguồn lợi thuỷ sản. Hơn nữa, nghề câu mực ốc có thể đầu tư để trở thành sản phẩm du lịch sinh thái, biển – đảo lý thú phục vụ du khách khi đến tham quan du lịch Cà Mau.

 

 >> Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản và các Đồn Biên phòng trên tuyến biển Cà Mau đã vận động ngư dân chuyển đổi ngành nghề khai thác với mục đích “Đem lại hiệu quả kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường biển”. Trong đó, nghề câu mực ốc được nhiều ngư dân lựa chọn.

Hải Đường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!