T2, 06/07/2020 11:52

Nghề đóng tàu truyền thống ở Hạ Long (Vân Đồn) có nguy cơ mai một

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau nhiều năm nỗ lực, tìm hướng phát triển, nghề đóng tàu truyền thống ở xã Hạ Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) đang có nguy cơ mai một. Các xưởng đóng tàu đang “hao dần”, nhiều chủ xưởng bỏ hoặc chuyển nghề. Khi xưởng đóng tàu thực hiện mô hình HTX theo chương trình xây dựng NTM thì lại gặp những khó khăn về cơ chế cần sự hỗ trợ hơn nữa của nhà nước.

Cùng với Đông Xá (Vân Đồn), Hạ Long là xã có nghề đóng tàu truyền thống, với đội ngũ thợ đóng tàu đông đảo, nhiều thợ lành nghề và xưởng tàu lớn. Vào thời phát triển thịnh nhất, đây là nơi ra đời nhiều tàu phục vụ cho các hợp tác xã nghề biển có đội tàu cá tuyến khơi lớn. Các xưởng của ông Phạm Văn Sông, Nguyễn Văn Cảnh, Hà Văn Huy… từng nức tiếng khắp các xã đảo.

f

Nhiều xưởng đóng tàu truyền thống ở xã Hạ Long (Vân Đồn) có nguy cơ phá sản.  

Theo thống kê, toàn xã Hạ Long có khoảng 4 – 5 xưởng đóng tàu. Các xưởng này chủ yếu đóng theo đặt hàng của các ngư dân. Tuy nhiên, do thiết bị thô sơ, thủ công, vốn đầu tư ít… khiến các xưởng không có khách hàng, dần rơi vào khó khăn.

Để tìm lối thoát, các chủ xưởng đã liên kết lại, thành lập xưởng do một ông chủ đứng đầu, chọn lọc các thợ giỏi, đổi mới cách làm, cập nhật các mẫu mã mới, nhận đóng tàu khách… Hiện trên địa bàn xã Hạ Long chỉ còn 2 xưởng tàu hoạt động theo hình thức này. Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ xưởng tàu Cảnh Sông cho biết: Bằng cách này, trong 2 năm gần đây xưởng tàu chúng tôi bắt đầu có khách, đóng được 13 tàu từ năm 2014 tới nay. Tuy nhiên, do quy mô, vốn còn ít, thiếu mặt bằng nên xưởng tàu chỉ có thể đáp ứng nhu cầu hạn chế. Lượng công việc không nhiều, tàu lớn nhất xưởng đóng cũng chỉ là tàu khoảng 105 mã lực, trị giá trên 1 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ phát triển ổn định, duy trì nghề truyền thống, năm 2014, xã Hạ Long đã vận động đưa xưởng đóng tàu Cảnh Sông vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, sử dụng các nguồn lực để xây dựng thành mô hình HTX điểm.

Đồng thời, Ban lãnh đạo xưởng tàu cũng tiến hành đăng ký thành lập HTX, hoàn thiện cơ cấu bộ máy, vận động xã viên đóng góp cổ phần. Tuy nhiên, chưa hết khó khăn khi thời điểm này, nguồn vốn NTM lại hạn chế do xã Hạ Long đã cơ bản là xã NTM, nên các nguồn lực được dành cho các xã, các địa phương khác để hoàn thành NTM.

Từ khi thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2015, HTX đóng tàu Cảnh Sông còn gặp nhiều khó khăn. Việc phát triển HTX cần nguồn vốn và đặc biệt là mặt bằng lớn phù hợp với đặc thù nghề đóng tàu, khoảng 1.000 – 1.500 m2. “Để xây dựng mô hình HTX đóng tàu, có mặt bằng rộng, tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp… là những yếu tố rất cần”, ông Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ.

y

HTX đóng tàu Cảnh Sông, thôn 15, xã Hạ Long (Vân Đồn) thiếu mặt bằng, nguồn vốn để đầu tư phát triển.  

Có thể thấy, nghề đóng tàu ở xã Hạ Long đang gặp rất nhiều khó khăn. Để nghề truyền thống không bị mai một, các chủ xưởng đang rất cần sự chung tay hỗ trợ của chính quyền và các tổ chức tín dụng.

Hà Phong

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!