T2, 06/07/2020 01:57

Nghị định 67: Để chính sách phát huy hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP nay là Nghị định 17 sửa đổi để có cơ chế đầy đủ, đồng bộ cho phát triển thủy sản, đặc biệt là hoạt động khai thác hải sản trên biển, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh trên biển; mặc dù còn những hạn chế nhất định nhưng việc triển khai Nghị định đã thúc đẩy ngành thủy sản phát triển.

Chính sách thiết thực

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho thấy, việc triển khai và thực hiện Nghị định 67 đã tạo động lực để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển về số lượng tàu cá xa bờ, sản lượng, nhằm tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng tàu cá, trang bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là Nghị định được Chính phủ ban hành năm 2014 trong lúc Việt Nam đang rất cần hỗ trợ đầu tư, khuyến khích ngư dân vươn ra ngư trường xa nhằm phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. Trên cơ sở đó, Nghị định 67 ra đời với các nhóm nội dung lớn hỗ trợ cho ngư dân: bảo hiểm để thuyền viên yên tâm ra khơi; hỗ trợ trang thiết bị cho tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt; hỗ trợ công tác hậu cần nhằm đảm bảo các chuyến ra khơi có lãi hoặc đảm bảo khuyến khích được ngư dân vươn khơi bám biển; hỗ trợ để phát triển phương tiện mới, chính là các tàu thường được gọi là “tàu 67”.

Đóng tàu cá tại Bình Định – Ảnh: Vũ Sinh

Kết quả, tính đến 31/12/2017 cả nước đã có 1.030 tàu cá đi vào hoạt động; trong đó, phân theo công dụng tàu: 863 tàu khai thác, 167 tàu dịch vụ hậu cần và phân theo chất liệu: vỏ gỗ 574 chiếc, vỏ thép 358 chiếc, vật liệu mới 98 chiếc. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, tính đến 30/9/2019 gần 40.000 lượt tàu cá được hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ cho với tổng kinh phí hỗ trợ cho ngư dân là hơn 900 tỷ đồng. Tổng số thuyền viên được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn là hơn 410.000 lượt; tổng số phí bảo hiểm hỗ trợ là 123 tỷ đồng. Tổ chức đào tạo gần 2.000 thuyền viên vận hành, khai thác, bảo quản sản phẩm với 7,6 tỷ đồng. Hỗ trợ 3.740 chuyến biển cho tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên với số tiền hơn 155 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định có 21 tàu vỏ thép (chiếm 2% trong 1.030 tàu đóng mới; hoặc chiếm 5,8% trong 358 tàu sắt đóng mới) gặp sự cố; trong đó 20 tàu bị hỏng của Bình Định (5 tàu đóng tại Công ty Đại Nguyên Dương, 15 tàu đóng tại Công ty Nam Triệu); đến cuối năm 2017, số tàu trên đã hoạt động bình thường. Một tàu của Quảng Nam đóng tại Công ty Bảo Duy Đà Nẵng khi chạy thử, máy chính bị gãy trục cơ, tranh chấp pháp lý đến nay chưa xử lý xong. 55/1.030 tàu (5,2%) số tàu đóng mới không đi hoạt động, chủ yếu là tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần, tàu lưới rê, tàu câu.

 

Gỡ khó khăn, bất cập

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có nhiều quyết sách, trước hết là xác định rõ về vấn đề tiềm năng ngư trường. Chính sách hỗ trợ đóng tàu theo Nghị định 67 không phù hợp, dẫn đến tâm lý ỷ lại, trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung về mức hỗ trợ bảo hiểm tàu cá. Không khuyến khích đóng tàu nữa mà tùy theo năng lực của ngư dân, ai có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thì tự đóng tàu ra khơi. Tàu đóng xong, Nhà nước hỗ trợ tối đa 35% vốn trị giá từ 6 – 8 tỷ đồng. “Từ năm 2018, Việt Nam chuyển hẳn sang dạng này, đến nay có 40 tàu làm theo. Đóng theo dạng này, người dân tự nguyện bỏ tiền ra, người dân có đủ điều kiện mới khai thác hiệu quả được; 30 tàu đi vào hoạt động không có vấn đề gì, đó là rút kinh nghiệm để sửa ngay chính sách”, Bộ trưởng Cường nói. 

Cùng đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị định 67 và trong tháng 12/2019, Chính phủ sẽ chỉ đạo tổng kết toàn bộ 28 tỉnh, thành để đưa ra những quyết sách sớm. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu trong thời gian tới, cần xây dựng chính sách phát triển đội tàu gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, đổi mới sáng tạo trong nuôi trồng, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân, phát triển nguồn nhân lực cho thủy sản. Kiểm soát khai thác, nuôi trồng, chế biến để nâng cao chất lượng hiệu quả các dự án hạ tầng ngành thủy sản, dự án đóng mới tàu thuyền.

>> Ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình chia sẻ, nguyên nhân dẫn đến các bất cập khi triển khai Nghị định 67 đó là do trình độ của ngư dân chưa đáp ứng với yêu cầu để có thể tiếp cận các tàu vỏ sắt có công nghệ hiện đại. Cũng có trường hợp ngư dân lợi dụng Nghị định 67 để trục lợi, hay như việc có ngư dân khai thác được nhưng lại không chịu trả lãi vay cho ngân hàng. 

An Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!