T2, 06/07/2020 11:10

Nghị định 67: Thí điểm trước, nhân rộng sau

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã chính thức có hiệu lực từ 25/8/2014. Chính phủ yêu cầu phải thực hiện chắc chắn, đảm bảo thành công.

Cần đóng bao nhiêu tàu?

Bộ NN&PTNT cho biết, số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ được đóng mới theo nghị định này gồm 2.079 chiếc, số lượng tàu dịch vụ hậu cần gồm 205 chiếc. Bộ còn chỉ định 4 đơn vị được thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép khai thác hải sản và làm dịch vụ gồm: Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam, Khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Nha Trang), Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy (Trường đại học Hàng hải Việt Nam) và Công ty CP Thiết kế và Dịch vụ Tàu thủy Việt – Hàn.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết: Các tổ chức, cá nhân của Đà Nẵng đã đăng ký số lượng 162 tàu khai thác hải sản và dịch vụ, trong khi số lượng tàu được phân bổ chỉ 47. Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, Nghị định 67 phân bổ lượng tàu cho mỗi tỉnh rất ít, Nam Định chỉ được 30 tàu cá và 4 tàu dịch vụ, trong khi đăng ký đóng mới rất nhiều. “Chúng tôi đề nghị tăng lượng tàu phân bổ cho mỗi tỉnh lên chứ như vậy so với yêu của ngư dân chưa thấm vào đâu. Ở Nam Định, những chủ tàu công suất dưới 90 CV muốn bỏ tàu cũ đóng tàu mới hiện đại, công suất lớn đã lên con số nghìn; chưa kể nhiều ngư dân, doanh nghiệp cũng muốn đóng mới để tăng số lượng tàu”, ông Hưng nói.

Ngoài ra, đại biểu các tỉnh cho rằng, để đảm bảo thành công trong việc hỗ trợ ngư dân, Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thống nhất các tiêu chí cụ thể trong điều kiện xét duyệt cho ngư dân được vay vốn, tránh tình trạng địa phương đã duyệt nhưng ngân hàng lại bác vì không đúng tiêu chí vay vốn của ngân hàng. Thêm nữa, cần chú trọng hơn về xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, các khu tránh trú bão, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển, vùng sản xuất giống được đề cập trong Nghị định.

Nhiều ngư dân, doanh nghiệp đầu tư đóng tàu công suất lớn, hiện đại để vươn khơi – Ảnh: Huy Hùng

 

Chỉ triển khai nếu hiệu quả

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Việc phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ là cần thiết để nâng cao lợi ích kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, không vì thế chúng ta tăng vô hạn tàu đánh bắt xa bờ. Phát triển phải có lộ trình.

“Việc đưa ra số lượng tàu đóng mới và phân bổ về các tỉnh, thành phố đã được nghiên cứu cụ thể, sao cho hợp lý nhất thì ngư dân có tàu mới làm ăn hiệu quả nhất. Khi có lợi nhuận và thí điểm thành công thì sẽ có sửa đổi, bổ sung. Nghị định 67 sẽ ưu tiên ngư dân đánh bắt xa bờ thực sự, đánh bắt có hiệu quả, có năng lực tài chính, có phương án sản xuất hứa hẹn hiệu quả cao”, ông Phát khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Nghị định 67 nhằm phát triển ngành thủy sản cả nước, khai thác có hiệu quả tiềm năng từ biển, đồng thời bảo đảm sản xuất thủy sản bền vững; qua đó nâng cao đời sống người dân; dân ở đây là người sản xuất kinh doanh trực tiếp trên biển chứ không phải người môi giới.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc hỗ trợ lãi suất được ưu tiên hàng đầu vẫn là đóng mới tàu sắt. Đối với ngư dân vay vốn đóng tàu, nhất là tàu vỏ thép, Nghị định quy định mức lãi suất ưu đãi: 1 – 3%/năm, thời gian vay  11 năm, hạn mức cho vay 70 – 95% giá trị đóng mới tàu. Ngoài ra, nếu hư hỏng trong quá trình đánh bắt, Chính phủ sẽ hỗ trợ kinh phí sửa chữa.

“Chính phủ sẽ chỉ đạo các địa phương chủ động làm thí điểm, sau đó nhân rộng cho vay đóng mới, cải hoán tàu. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì phải báo cáo kịp thời, để bộ ngành liên quan tìm cách tháo gỡ”, Phó Thủ tướng nói.

>> Hiện nay, 5 ngân hàng đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay Chương trình, gồm: Agribank đăng ký 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng.

Quang Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!