Dù chưa được quan tâm chú ý nhiều, nhưng vai trò làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh tôm nuôi của con cá rô phi đã được khẳng định trên thực tế tại không ít vùng nuôi. Từ vị trí “vai phụ”, nếu được nâng lên thành đối tượng nuôi thương phẩm, chắc chắn con cá rô phi sẽ còn đóng góp nhiều hơn cho ngành thủy sản của tỉnh trong tương lai.
Từ đầu vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 đến nay, không ít hộ nuôi, vùng nuôi tôm trong tỉnh Sóc Trăng thành công với mô hình nuôi tôm ghép, nuôi tuần hoàn nước với con cá rô phi. Ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, cho biết: Trang trại Tân Nam của Sao Ta cũng thường xuyên sử dụng cá rô phi trong ao lắng, ao chứa. Điều đó cho thấy, vai trò của cá rô phi đối với nghề nuôi tôm là rất quan trọng. “Thị trường sản phẩm cá rô phi thế giới là rất rộng và luôn có giá cao hơn sản phẩm cá tra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, muốn phát triển nghề nuôi, chế biến xuất khẩu cá rô phi, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt với những nước đi trước nhiều năm có ngành sản xuất giống, thức ăn, công nghệ nuôi tiên tiến. Hay nói cách khác, để phát triển tốt nghề nuôi cá rô phi, phải đảm bảo ít nhất 2 điều kiện: thời gian nuôi ngắn (hệ số thức ăn thấp) và tỷ lệ phi lê cá đạt cao” – ông Hồ Quốc Lực nói.
Cá rô phi được sử dụng để làm sạch môi trường, hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi rất hiệu quả.
Với giống cá rô phi dòng Gif hiện đang có trên thị trường trong nước vẫn chỉ quanh quẩn là những dòng Gif cũ, cách xa những thế hệ rô phi dòng Gif một số nước, như: Trung Quốc, Đài Loan đang nuôi. Một số doanh nghiệp không ngại “ví von”: Giống cá rô phi dòng Gif phổ biến trên thị trường trong nước hiện nay nếu so với con giống đang được sản xuất tại Đài Loan, không khác gì giống lúa ST5 với ST20. Chính sự khác biệt lớn về thế hệ con giống này, nên hầu hết các doanh nghiệp đang triển khai nuôi, chế biến xuất khẩu cá rô phi trong nước đều phải nhập khẩu con giống bố mẹ từ nước ngoài, làm cho chi phí con giống cao, nhưng thời gian nuôi và tỷ lệ phi lê vẫn chưa đạt như mong đợi.
Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa con cá rô phi vào danh sách sản phẩm chủ lực trong thời gian tới của ngành thủy sản là rất phù hợp. Và Sóc Trăng hoàn toàn có thể phát triển tốt đối tượng nuôi này. Tiến sĩ Trần Đình Luân nhận định: “Tại những vùng ven biển của tỉnh, việc phát triển nuôi tôm nước lợ đang rất khó khăn, nhất là vào mùa khô, nhiệt độ tăng rất cao và môi trường vùng nuôi có dấu hiệu xấu đi. Do đó, chúng ta có thể tận dụng thời điểm này để nuôi cá rô phi và sử dụng nguồn nước nuôi cá này để nuôi tôm nước lợ khi mùa mưa đến”.
Hệ thống luân canh trên theo đề xuất của tiến sĩ Trần Đình Luân cũng khá phù hợp với điều kiện tự nhiện, khí hậu, thời tiết của vùng ven biển. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là con giống chất lượng tìm ở đâu? Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân, hiện trong nước có một số đơn vị cung ứng giống cá rô phi dòng Gif có chất lượng khá tốt, có thể đáp ứng được nhu cầu nghề nuôi. Vấn đề là sản xuất phải được tổ chức lại theo liên kết chuỗi để đảm bảo nguồn con giống, thức ăn… được tốt, sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và được bao tiêu để cả người nuôi lẫn doanh nghiệp yên tâm thực hiện.
Sau khi quyết định chọn cá rô phi vào danh sách đối tượng nuôi chủ lực trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác chọn lọc, nghiên cứu phát triển những dòng cá rô phi mới phù hợp với điều kiện nuôi tại các vùng trong cả nước. Sóc Trăng là 1 trong 5 địa phương của cả nước được chọn thí điểm nuôi cá rô phi thương phẩm xuất khẩu. Nếu thành công, không chỉ giúp đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn giúp giảm áp lực, giúp cho nghề nuôi tôm nước lợ thêm hiệu quả và bền vững.