Ngoài chỉ đạo chính quyền các cấp kịp thời chi trả tiền bồi thường thiệt hại do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, hơn một năm qua, Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển trở lại.
Biển Hà Tĩnh tấp nập trở lại. Ảnh: Quang Quyết
Hoạt động khai thác thủy hải sản trên địa bàn đang dần đi vào ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) có 9 xã, thị trấn ven biển, cửa sông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố môi trường biển. Theo đánh giá của huyện, sự cố đã làm tổng sản lượng và giá trị các loại thủy sản giảm mạnh từ 12.453 tấn (năm 2015) xuống còn hơn 8.703 tấn (năm 2016). Trong đó, sản lượng khai thác giảm từ 8.050 tấn xuống còn 5.010 tấn; sản lượng nuôi trồng từ 4.403 tấn giảm còn 3.694 tấn; cả năm 2016 tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản chỉ đạt 198 tỷ đồng, chiếm 9,2% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, bằng 72,4% so với cùng kỳ 2015.
Sau sự cố, cả hệ thống chính trị tập trung nhân lực, vật lực giúp bà con ngư dân tái sản xuất, góp phần đưa tổng sản lượng khai thác 11 tháng đầu năm 2017 đạt 8.500 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2016; diện tích nuôi trồng được khôi phục đạt 100% kế hoạch; sản phẩm thủy sản đảm bảo an toàn, giá tiêu thụ đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2016, từng bước mang lại thu nhập và tạo niềm tin cho bà con ngư dân tiếp tục bám biển, bám các cơ sở để sản xuất, kinh doanh.
Ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên chia sẻ: “Ngoài phần kinh phí Formosa bồi thường cho ngư dân, Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách giúp bà con chuyển đổi nghề nghiệp như đi xuất khẩu lao động, học nghề lái xe, nuôi trồng thủy sản; đồng thời, hỗ trợ lãi suất vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng các chủ tàu cá ở các xã Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc và thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) đã mạnh dạn đầu tư đóng mới 13 tàu công suất lớn từ 90CV đến trên 800CV (trong đó có 1 tàu đóng mới theo Nghị định 67) để vươn khơi bám biển, nâng tổng số tàu có công suất trên 90CV toàn huyện lên 94 chiếc. Đội tàu đánh bắt xa bờ này đã giải quyết việc làm cho hàng chục thuyền viên là con em địa phương với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
Ông Tôn Đức Vinh, xã Cẩm Nhượng là ngư dân đầu tiên ở Cẩm Xuyên đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Sau 8 tháng ra khơi bình quân mỗi tháng tàu cá này thu hơn 80 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động. Ông Vinh phấn khởi: “Cũng may Chính phủ có chính sách cho vay tiền chúng tôi mới sắm được con tàu mới đánh bắt xa bờ, nâng cao thu nhập. Chứ như trước đây, tàu nhỏ, xuống cấp chỉ đánh bắt quanh quẩn vùng lộng, thu nhập đủ tiền dầu và ăn uống qua ngày. Bây giờ đi một chuyến về trừ chi phí gia đình tôi cũng dắt lưng được một ít để chi tiêu và phòng khi về già”.
Ngoài việc hỗ trợ ngư dân nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền ra khơi, nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp cũng được thực hiện tại địa phương này. Theo đó, một số cơ sở như HTX nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Dương; các hộ Trần Thị Lợi, Phạm Viết Châu (xã Cẩm Hòa); Lê Xuân Sinh, Lê Xuân Khậng, Lê Văn Hiến, Lê Quốc Lự (xã Cẩm Lộc)… mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thâm canh. Du nhập một số giống thủy sản mới vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế như: nuôi ốc hương tại xã Cẩm Lĩnh, lợi nhuận đạt 700 triệu đồng/ha; nuôi cá rô phi tại Cẩm Hưng, lợi nhuận bình quân 110 triệu đồng/ha…
“Để đồng hành với bà con ngư dân, tỉnh và huyện đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án xây dựng cầu cảng, cụm công nghiệp làng nghề tại xã Cẩm Nhượng nhằm phục vụ tốt nhất về dịch vụ hậu cần nghề cá trong tương lai gần cho người dân vùng biển”, ông Lê Ngọc Hà thông tin thêm.
>> Đến thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn tất công tác chi trả bồi thường sự cố môi trường biển cho 1.034 tàu cá với tổng số tiền hơn 140 tỷ đồng; 210 đối tượng, chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản với số tiên hơn 36 tỷ đồng. |