T2, 06/07/2020 12:11

Ngư dân “ngoài cuộc”, tàu thép trả lại?

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau việc trả lại hai tàu Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 của ngư dân Quảng Ngãi và Đà Nẵng, vừa qua, tàu vỏ thép QNa 95997 TS của ngư dân Quảng Nam cũng được “trả về nơi sản xuất”. Điều này không được các nhà đóng tàu lường trước, thế nhưng ngư dân lại không mấy ngạc nhiên vì họ thấy bất cập ngay từ khâu thiết kế.

“Của đau con xót”

Mặc dù vẫn trong thời gian bảo hành, chi phí sửa chữa các tàu hư hỏng được nhà máy đóng tàu chịu hoàn toàn, ngư dân không phải trả thêm chi phí, tuy nhiên, phí tổn cho mỗi chuyến đi biển vài trăm triệu đồng thì ai chịu cho ngư dân?

Khi gói hỗ trợ 14.000 tỷ đồng của Chính phủ được triển khai hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu để khai thác hải sản, họ rất vui vì điều này có nghĩa các chuyến biển sẽ “hiệu quả hơn, an toàn hơn, bám biển dài ngày hơn và quan trọng là hạn chế việc chèn ép của “tàu lạ””. Đây là hy vọng của ngư dân khi nhận tàu mới. Thế nhưng, trường hợp của ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), chủ nhân chiếc tàu mới phải trả lại thì những lần ra khơi không khác gì chuyến đi thử nghiệm của một con tàu chưa hoàn thiện về thiết kế. Bởi, tàu có quá nhiều hạn chế. Chỉ có điều, những cuộc thử nghiệm này trị giá quá cao.

Theo ông Thu, nhiều thiết bị trên tàu cá của ông khi đi biển gặp sự cố và hư hỏng, phải bỏ chuyến, thiệt hại mỗi chuyến cả trăm triệu đồng.

tàu vỏ thép trả lại

Tàu thép trả lại do thiết kế không phù hợp tàu cá – Ảnh: CTV

Trong khi đó, ông Phan Bé, chủ tàu Sang Fish 01 thì quá ngán ngẩm với tàu này rồi, “10 chuyến đi biển thì đến 6 chuyến gặp sự cố”. Cụ thể, chuyến đi đầu tiên, tàu đã ba lần gặp sự cố gãy tời khiến đội tàu mất một số lưới, chỉ tính riêng tiền khắc phục đã lên tới 500 triệu đồng. Hết sự cố về tời lại đến máy chính bị mất tải không hoạt động được. Hết kiên nhẫn, họ kéo tàu lên nằm bờ để khắc phục. Đi biển chỉ thấy bỏ tiền ra chứ không có thu buộc họ đem tàu trả lại nhà máy.

Còn tại Quảng Ngãi, chủ tàu Hoàng Anh 01 Mai Thành Văn cũng quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. Lý do cũng không khác là mấy. Năm chuyến ra khơi thì có đến 3 chuyến tàu bị hỏng hóc, lúc thì hư tời, khi thì hỏng máy buộc phải đưa về bờ.

 

Thiết kế thiếu thực tế

Nguyên nhân khiến tàu liên tiếp gặp sự cố và hoạt động không hiệu quả được ngư dân trực tiếp đi tàu cho biết, là do thiết kế không hợp lý.

Ông Thu bức xúc, trước khi đóng tàu, đơn vị thiết kế không tham khảo ý kiến của ngư dân cho nên khi tàu đưa vào sử dụng đã xảy ra sự cố. Tời lưới trong bản vẽ chưa tính đến thực tế về sóng, dòng chảy, độ sâu thả lưới… nên khi ấn định công suất đã khiến tời bị quá tải, hư hỏng.

Ông Mai Thành Văn cho rằng, độ cao của cabin tới gần 2 m giống như tàu vận tải. Tàu bị rung lắc mạnh khi gặp sóng to gió lớn nên không thể đánh bắt được.

Còn ông Phan Bé, Sang Fish 01 ngay từ lần chạy thử đã phát hiện ra hàng loạt khiếm khuyết như cabin và bậc lên xuống thành tàu quá cao, trụ cẩu cũng chưa hợp lý. Tàu được thiết kế làm dịch vụ hậu cần, nhưng thiết kế thành tàu quá cao nên khi tiếp cận với các tàu vỏ gỗ để thu mua hải sản, thành tàu đã vô tình đánh vỡ mạn thuyền cũng như giàn đèn, thậm chí vỡ luôn cabin của tàu bên cạnh khiến nhiều tàu cá không dám đến gần.

Thu mua không được, ông Bé chuyển sang khai thác, nhưng kết quả cũng tệ không kém. Thành tàu quá cao, thu và thả lưới cũng rất khó nên năng suất không cao.

 

Người thiết kế cần dựa vào thực tế

Theo chia sẻ của một ngư dân, các kỹ sư thiết kế tàu này chỉ dựa vào lý thuyết chứ hình như chưa từng tham gia đi biển nên thiếu cái nhìn thực tế. Hơn nữa, đơn vị đóng tàu cũng không tham khảo ý kiến của ngư dân, mặc dù trình độ chuyên môn họ thiếu nhưng kinh nghiệm lại có dư, họ biết như thế nào mới hiệu quả. Còn ban đầu ngư dân quá ham tàu mới nên dễ dàng bỏ qua vấn đề này để rồi lãnh đủ hậu quả. Như chia sẻ của ông Phan Bé, là thấy tàu vỏ thép ham quá nên mới “cố đấm ăn xôi”, chứ thiết kế này không phù hợp với tàu cá.

Một kỹ sư cơ khí cho biết, thiết kế tàu biển phải tính đến cấp chịu đựng sóng và độ ổn định của tàu. Nhất là hệ chân máy, hệ thống cấp nhiên liệu, đường ống, máy bơm… phải đủ lớn đề tàu có thể chủ động tự cân bằng. Chứ không thể cứ lấy tỷ trọng mã lực trên trọng tài lắp lên tàu cá đi biển. Và nếu không xem xét giữa thiết kế điển hình với yêu cầu thực tế đi biển, tập quán của ngư dân thì cả nghìn con tàu nữa hạ thủy thì cũng nhanh chóng trả về nơi sản xuất. Chưa kể nhiều tàu mới nhưng lại sử dụng máy cũ.

>> Ông Võ Văn Chính (Quảng Ngãi), chủ tàu vỏ thép 15 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện chia sẻ, cứ mỗi tuần tôi cùng một số ngư dân ngồi lại với đơn vị thiết kế và thi công, bàn bạc và sửa đổi những chi tiết không phù hợp. Nếu không cho thay đổi thiết kế, anh em sao dám làm.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!