Sau cảnh báo “thẻ vàng” của EU về khai thác IUU, cùng với các tỉnh, thành ven biển, Sóc Trăng đã và đang nỗ lực khắc phục nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC.
Việt Nam tích cực ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp
Một trong những khuyến nghị quan trọng của EC đó là sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam khi xuất sang thị trường EU phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, nên việc ghi chép nhật ký khai thác phải được ưu tiên hàng đầu. Nhiệm vụ này thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi triển khai thực hiện bước đầu cũng gặp không ít khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký trong mỗi chuyến ra khơi.
Ông Quách Tiến, một chủ tàu ở Cảng cá Trần Đề thừa nhận: “Hồi trước tới giờ mình chỉ biết ra khơi khai thác thôi chứ có cần phải ghi chép gì đâu, nên khi được hướng dẫn hầu hết ngư dân tụi tui đều có chút bỡ ngỡ ban đầu”. Ngưng một chút để hít thở luồng gió trong lành từ biển khơi mang lại, hướng mắt về phía con tàu, ông Tiến nói tiếp: “Bây giờ mọi thứ đều khác rồi không phải muốn ra khơi đánh bắt cái gì, đánh bắt như thế nào cũng được mà phải hiểu biết Luật, phải biết quy định của người mua hàng để thực hiện cho đúng thì sản phẩm khai thác của mình mới bán được, ngư dân mình mới sống được lâu dài với nghề”.
Sau khi quán triệt Chỉ thị số 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-UBND, ngày 27/4/2018 về việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra về khai thác thủy sản trên biển và tại cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh. Sở NN&PTNT tỉnh được giao chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra các hoạt động thủy sản trên biển tại bến cá và cảng cá. Từ đây, Tổ kiểm tra, kiểm soát chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp tại Cảng cá Trần Đề được thành lập, đi vào hoạt động và bước đầu đã tạo chuyển biến trong nhận thức của ngư dân, đại lý và doanh nghiệp thu mua, chế biến địa phương.
Theo ông Phạm Văn Hứa, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề, thời gian qua, Ban Quản lý kết hợp với Chi cục Thủy sản dự thảo kế hoạch tuần tra, kiểm soát đối với tàu cập cảng; mở các lớp tập huấn cho các chủ tàu, thuyền trưởng để phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản. Phân công cán bộ trực tiếp xuống từng nhà chủ phương tiện để hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt cách ghi chép nội dung sổ nhật ký khai thác để giúp ngư dân thực hiện đúng theo quy định. Các nội dung kế hoạch cũng được gửi đến từng chủ tàu, thuyền trưởng ở địa phương, các tàu tỉnh bạn để ngư dân biết và thực hiện đúng các thủ tục khi vào cảng cá và khi xuất bến.
Cũng theo ông Hứa, sau thời gian tuyên truyền, Tổ kiểm tra, kiểm soát tại cảng bắt đầu thanh, kiểm tra, kiểm soát nếu phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản đúng quy định trong nước và quốc tế, nâng cao uy tín sản phẩm thủy sản của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung để cùng cả nước sớm ra khỏi “thẻ vàng” của EC. Riêng BQL tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan đến quá trình hoạt động của tàu (Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản và các doanh nghiệp thu mua) tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung kế hoạch, cách ghi chép sổ nhật ký khai thác, các mẫu giấy kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản, nhằm tiến tới mục tiêu khai thác thủy sản có trách nhiệm.