Đó là tâm tư của ngư dân miền Trung những ngày này, càng khó khăn họ mạnh mẽ, kiên cường bám biển, khẳng định chủ quyền đối với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi “biển Việt Nam thì ngư dân Việt Nam làm, không bỏ được”.
Biển của mình, không thể bỏ
Những ngày này, lượng cá, mực do tàu cá cung cấp ở cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) vẫn dồi dào. Mỗi ngày có hơn 50 tàu về bến, không khác nhiều so cùng kỳ năm ngoái và các tháng trước. Lượng tàu ra khơi cũng tương tự và ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung mùa này vẫn không thay đổi. Phía Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981, nhưng ngư dân Đà Nẵng không hề e ngại, tất cả cùng chung ý nghĩ: vùng biển Hoàng Sa là của Việt Nam.
Gần 50 tuổi, trong đó tuổi nghề đi biển đã 30 năm, ông Nguyễn Văn Tấn (ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90572 và ĐNa 90566, khẳng định: “Biển của mình thì mình làm. Khi tàu cá của ngư dân mình đánh bắt ở đó với số lượng lớn, tàu Trung Quốc mới sợ. Cách đây 2 năm, tàu tui bị tàu sắt họ chèn ép, không cho đánh bắt ở vùng biển họ gọi là đang tranh chấp với Việt Nam, nhất là vào mùa cá nam từ tháng 6 đến tháng 8. Nhưng khi tàu họ đuổi thì mình đi, hôm sau quay lại tiếp tục làm nghề. Ngư dân bọn tui sóng gió quen rồi, chừ thêm họ chèn ép nhưng mình ra khơi lúc nào cũng có đôi, có đoàn 7 – 8 tàu, lại có thêm lực lượng Kiểm ngư nên yên tâm”.
Mùa này, ngư trường quen thuộc của ngư dân miền Trung là vùng biển Hoàng Sa. Những tàu lưới vây, lưới cản, tàu câu mực của ngư dân bám biển, đánh bắt dài ngày ở đây với số lượng lớn.
Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá kiêm đánh bắt thủy sản lớn nhất miền Trung mang số hiệu ĐNa 90604 vừa được hạ thủy – Ảnh: Đoàn Cường
Luôn kiên trì bám biển
Trước mùa trăng, tàu QNg 94165 do ông Trần Nhân làm thuyền trưởng trở về cảng Thọ Quang bán cá. Đến sáng 16/5, các thuyền viên của tàu tập trung xay đá, đổ dầu, mua lương thực cho chuyến biển xuất phát vào hôm sau. Mới đây tàu của ông bị phía Trung Quốc ủi, vỡ tay lái. Trở về bến sửa chữa tàu sơ sơ, ông và các thuyền viên tiếp tục lên đường. “Biển Việt Nam thì ngư dân Việt Nam làm, không bỏ được. Tàu cá của mình ra biển gặp tàu Trung Quốc là bị họ gí, hà hiếp, ủi vào phần đuôi tàu, không cho mình đánh cá. Họ tàu sắt, mình tàu gỗ, đặc biệt là đoàn tàu rà dầu của họ thời gian gần đây xuất hiện luôn hà hiếp tàu cá của mình. Nhưng đội tàu của tôi ra khơi bao giờ cũng đi theo đội 9 – 10 chiếc, tàu họ gí thì mình chạy; khi họ đi khỏi thì tiếp tục buông lưới. Nếu mình sợ nó tức là mình bỏ vùng biển thiêng liêng của nước mình”, ông Nhân nói chắc nịch.
Bà Trần Thị Loan, vợ ông Nhân, từ Đức Phổ (Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán cá, nấu cơm cho chồng và những người đi bạn trên tàu những ngày tàu về Đà Nẵng. Lâu nay bà chỉ biết lo cho chồng, cho con; nhưng thời điểm này, khi phía Trung Quốc ngang nhiên gây hấn trên Biển Đông, bà đặc biệt quan tâm tình hình trên biển. Bà bảo: “Làm nghề biển đã cực, làm vợ của người đi biển còn cực hơn. Nghe tin tàu Trung Quốc xâm lấn vùng biển Hoàng Sa, trong bụng mình chẳng lúc nào yên, khi chồng mình cùng mười mấy anh em bạn ghe đang ở đó. Thế nên, khi ông ấy về gần đến Đà Nẵng, tôi bắt xe từ Quảng Ngãi ra liền. Ra đây mới biết anh em đi biển lúc nào cũng đi nhiều tàu, đánh bắt gần nhau, có luồng cá thì chia chung, lại có tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư của mình bảo vệ, nên yên tâm”.
Anh Ngô Hồng Cư, thuyền trưởng tàu QNg 98380 nói: “Chúng tôi là ngư dân, mấy đời đánh bắt ở ngư trường quen thuộc của cha ông, bây giờ Biển Đông bị xâm lấn thì chúng tôi càng cần phải có mặt để khẳng định chủ quyền quốc gia mình”.
>> “Đội tàu của tôi ra khơi bao giờ cũng đi theo đội 9 – 10 chiếc, tàu họ gí thì mình chạy, khi họ đi khỏi thì tiếp tục buông lưới. Nếu mình sợ nó tức là mình bỏ vùng biển thiêng liêng của nước mình” – ông Trần Nhân nói chắc nịch. |