T2, 06/07/2020 01:07

Ngư lưới cụ có cần bảo hiểm?

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngay khi một số chính sách của Nghị định 67 hết hiệu lực, các doanh nghiệp bảo hiểm dừng bán cho ngư dân, Nghị định 17 được thay thế sau đó nhằm giúp tàu cá vững tin vươn khơi. Vậy nhưng điều khoản mới lại khiến ngư dân bất an.


Ngư dân vươn khơi đối mặt với nhiều khó khăn Ảnh: Xuân Trường

Chính sách hỗ trợ giảm

Theo Nghị định 67/NĐ-CP, chính sách bảo hiểm đối với tàu cá được thực hiện rất lớn. Cụ thể, khi mua bảo hiểm cho tàu cá công suất từ 400 CV trở lên, ngư dân sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% chi phí; công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV sẽ được hỗ trợ 70%. Nếu không may gặp rủi ro, chủ tàu sẽ được bồi thường giá trị của thân tàu và cả ngư lưới cụ cùng trang thiết bị phục vụ khai thác hải sản. Thế nhưng theo Nghị định 17/NĐ-CP ban hành ngày 2/2/2018, chính sách bảo hiểm không phân theo công suất như trước, mà tính chung cho tàu từ 90 CV trở lên. Cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Điều đáng nói, hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu chỉ còn 50% (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu) nhưng không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu.

Ngư dân Nguyễn Thanh Vương (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho rằng, với chính sách mới, ngư dân sẽ gặp nhiều khó khăn khi mua bảo hiểm tàu cá. Bởi trước đây, mua bảo hiểm cho tàu công suất lớn 1 năm chỉ phải chịu 10%, còn 90% được hỗ trợ, thì nay số tiền chi ra gấp 5 lần. Không chỉ vậy, theo nhiều ngư dân, việc không đưa ngư lưới cụ vào diện bảo hiểm cũng khiến họ thiệt thòi. Vì chi phí mua khá cao, chẳng hạn vàng lưới rê có giá trị đến 3 tỷ đồng, nếu chẳng may bị cướp, phá thì khó có thể đầu tư trở lại. Trong khi ngư dân sản xuất trên biển gặp rất nhiều rủi ro, cả thiên tai và nhân tai.

Nguy cơ “trắng tay” lớn?

Theo đánh giá, nguy cơ ngư dân Việt Nam đi khai thác trên biển bị “tàu lạ” tấn công là rất lớn, mà hầu hết đều nhằm vào việc cướp, phá tài sản, ngư lưới cụ. Điển hình như năm 2017, tàu của ông Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) bị tàu lạ tấn công, 60 tấm lưới trị giá 720 triệu đồng bị kéo và cắt, không thể thu hồi được, 1 phao vô tuyến trị giá 145 triệu đồng cũng bị kéo mất.

Tại Quảng Trị, những năm qua, các tàu đánh bắt cá của ngư dân cũng thường xuyên bị các tàu của Trung Quốc phá hoại, cắt đứt ngư lưới cụ, gây thiệt hại lớn cho bà con.

Mới đây, theo báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Nam, ngày 18/3, tàu cá QNa 90822 của ông Nguyễn Tấn Sơn, trú tại thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành khi đang hành nghề lưới cản ở tọa độ 16-00’ Bắc và 111-00’ Đông thì bị một tàu sắt màu trắng bao vây, họ dùng súng khống chế ngư dân và dùng dao cắt phá ngư lưới cụ, lấy đi 2 bình ắc quy. Thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Ngày 22/3, 2 tàu cá QNg 90440 TS và QNg 90045 TS của ngư dân xã Bình Sơn, huyện Bình Sơn (Quảng Nam) đang núp gió ở đảo Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa) của Việt Nam cũng bị tàu sơn trắng, số hiệu 46016 và 45103 tấn công, cướp phá tài sản, gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.

Nhìn lại những hành động này có thể thấy, “cần câu cơm” của ngư dân luôn bị đặt trong tình trạng “báo động”, việc không được bảo hiểm sẽ khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Ngư dân cho rằng, trang thiết bị đánh bắt hải sản trên tàu cá công suất lớn rất nhiều, như máy định vị, máy dò cá, máy định dạng, thiết bị liên lạc… có giá trị rất lớn. Việc không bảo hiểm cho các trang thiết bị này khiến chủ tàu lo lắng. Đó như một sự đánh đố, bởi tàu cá gặp nạn để được bảo hiểm thì các trang thiết bị có giá trị tương đương với thân tàu cũng đã hỏng hết. Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, nhiều chính sách theo Nghị định 17 được giản lược nhằm tạo thuận lợi cho các đơn bị bán bảo hiểm, ngân hàng, nhưng vô tình lại dồn khó cho ngư dân. Hơn bao giờ hết, họ đang chờ một sự tháo gỡ mới của ngành chức năng để an tâm bám biển sản xuất và tiếp tục là “cột mốc sống” trên vùng biển Việt Nam.

>> Một khó khăn nữa là tất cả hồ sơ mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 đã hết hiệu lực vào ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, nếu chủ tàu tiếp tục mua bảo hiểm thì vẫn sẽ được bồi thường khi không may tàu gặp nạn. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tư hướng dẫn sẽ thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 17 như thế nào.

Phan Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!